Nam Định: Đồng bào Công giáo nỗ lực góp phần xây dựng quê hương

Thứ sáu, 08/12/2017 00:30
(ĐCSVN) - Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định tích cực thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực, góp phần tạo nên sự khởi sắc của quê hương.​
Khởi sắc ở vùng Công giáo xã Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: An Luých

Nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống

Nam Định là tỉnh tập trung nhiều đồng bào Công giáo, với 426.024 giáo dân, có Tòa Giám mục Bùi Chu. Thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định đã hướng dẫn đồng bào Công giáo trong tỉnh thi đua yêu nước bằng những việc làm phù hợp với đặc điểm thực tế và chủ trương của địa phương trong phát triển kinh tế.

Cụ thể, bà con giáo dân đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo mô hình trang trại, mở rộng gieo cấy lúa đặc sản giá trị kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, giá trị kinh tế đã tăng đáng kể. Hiện toàn tỉnh có trên 300 lượt xứ đạo đạt năng suất lúa từ 120 đến 145 tạ/ha. Tại giáo họ Trung Lễ (huyện Xuân Trường), 20 hộ chuyển đã đổi 9,2ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại; tại huyện Trực Ninh, một doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ đã thuê lại ruộng của dân để sản xuất lúa lai theo quy mô lớn.

Đối với các huyện ven biển, các hộ giáo dân đã ứng dụng phương pháp nuôi tôm, nuôi cá bằng lưới rê ven biển; cải tạo ao, đầm để nuôi tôm sú, tôm càng xanh, tôm chân trắng… Nhiều giáo dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ mô hình sản xuất thủy hải sản này, như gia đình các ông: Nguyễn Văn Rung ở giáo xứ Quần Vinh (huyện Nghĩa Hưng), Đinh Văn Tường (giáo xứ Phú Ninh, huyện Giao Thủy), Trần Văn Thức (giáo xứ Ninh Hải, huyện Nghĩa Hưng)…

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, người Công giáo đã không ngừng phát huy ngành nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo được khởi sắc kinh tế, như ở giáo xứ Kiên Lao (huyện Xuân Trường), Báo Đáp (TP.Nam Định); Thịnh Long, Phạm Pháo (Hải Hậu)… Tại giáo xứ Kiên Lao, giáo dân đã phát triển nghề cơ khí truyền thống theo hướng hiện đại hóa, mở rộng thị trường và không ngừng đưa ra các sản phẩm mới hợp nhu cầu thực tế. Hiện làng nghề cơ khí Kiên Lao đã nổi tiếng cả nước. Tính chung trong toàn tỉnh Nam Định đã có trên 300 công ty, doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất kinh doanh do người Công giáo làm chủ.

Những nỗ lực trong phát triển kinh tế đã tạo nên diện mạo khang trang và nâng cao chất lượng cuộc sống nơi các xứ đạo, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh. Theo thống kê của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, hiện có 36.847 hộ giàu là người Công giáo (tăng 2.815 hộ so với giai đoạn 2007 – 2012); 54.310 hộ khá, tăng 20.244 hộ; hộ cận nghèo và nghèo (theo tiêu chí mới) giảm còn 9.438 hộ.

Song song với phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đồng bào Công giáo còn thường xuyên làm việc từ thiện, bác ái, với nhiều gương người tốt, việc tốt: Cố linh mục Phan Văn Điển (giáo xứ Quần Vinh, huyện Nghĩa Hưng) từ khi có phong trào xây nhà Đại đoàn kết đến nay, linh mục đã xây được 57 nhà. Trong khoảng 5 năm 2012- 2017, Ủy ban Bác ái Tòa Giám mục Bùi Chu giúp kinh phí thay thủy tinh thể cho trên 1.000 bệnh nhân; Hội dòng Mến Thánh giá Kiên Lao và tu viện nữ tu Đa Minh Phú Nhai hàng năm vào dịp Tết thường tổ chức gặp mặt người nghèo dự bữa cơm tất niên và tặng mỗi người 10kg gạo không phân biệt tôn giáo. Dòng nữ tu Mẹ thăm viếng và Dòng nữ tu Trinh Vương (huyện Xuân Trường) đang nuôi dưỡng trên 100 người già cả neo đơn không nơi nương tựa. Giáo dân Lâm Thị Sào (giáo xứ Lác Môn, huyện Trực Ninh) mỗi năm dành 120 triệu  đồng để làm từ thiện, xây dựng công trình phúc lợi địa phương… Tính chung 5 năm 2012 - 2017, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định đã ủng hộ khoảng 18 tỷ 112 triệu đồng, hàng trăm tấn gạo và nhiều đồ dùng vào các hoạt động từ thiện, bác ái, xây nhà Đại đoàn kết…

Bình yên nơi xứ đạo

Cùng với nhân rộng các mô hình hay để phát triển kinh tế, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã gắn phong trào "3 an toàn", "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ" vào các phong trào: "Xứ họ đạo không có ma túy, không tội phạm", "Xứ họ đạo bình yên", "Bình yên làng nghề", "Gia đình hòa thuận", với những nội dung cụ thể, thiết thực: không vận chuyển, mua bán và đốt pháo, không ma túy, không cờ bạc, không mại dâm…

Các phong trào trên được sự phối hợp giúp đỡ của nhiều cha xứ và sự khích lệ của Tòa Giám mục. Hàng năm Tòa Giám mục Bùi Chu đều ra Thư mục vụ nhắc nhở giáo dân xa lánh, bài trừ tệ nạn xã hội. Nhiều cha xứ tham gia các tổ hòa giải, tổ tự quản an ninh và kịp thời phát huy đạo đức tôn giáo để lấy cái tốt, cái thiện đẩy lùi cái xấu, giữ gìn bình yên nơi xứ đạo. Đặc biệt, lần đầu tiên, ngành chức năng của tỉnh đã cùng với Giám mục giáo phận Bùi Chu tổ chức tập huấn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngay tại Tòa Giám mục.

Trong sinh hoạt tôn giáo, kiến thiết nhà thờ, các giáo xứ đều tổ chức trang nghiêm và phù hợp với quy định pháp luật, văn hóa, tập quán của địa phương. Theo báo cáo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, trong 5 năm 2012- 2017, rất nhiều công trình nhà thờ giáo xứ, giáo họ xây mới, xây lại như Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhà nguyện Hội dòng nữ tu Đa Minh, nhà hưu dưỡng Hội dòng nữ tu Mân Côi, Thánh đường giáo xứ Báo Đáp (huyện Nam Trực), nhà thờ các giáo xứ: Phú An (huyện Trực Ninh), Thuận Thành (huyện Giao Thuỷ), Khoái Đồng (Tp.Nam Định)… Đặc biệt, Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (giáo phận Bùi Chu) đã được cơ quan quản lý nhà nước trao quyết định nâng cấp lên Đại chủng viện.

Theo ông Trần Huỳnh Tấn- Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo phù hợp với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Bên cạnh đó, phong trào được hướng dẫn kịp thời bởi Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, nên giáo dân tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua thi đua yêu nước, hầu hết các xứ đạo đều khởi sắc cả về đạo và đời, chất lượng đời sống giáo dân được nâng lên rõ rệt. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Đinh cũng khẳng định tốt hơn vai trò trong các phong trào và được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2014); được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tặng Cờ thi đua: Đơn vị dẫn đầu cụm thi đua khu vực phía bắc năm 2015.

Trong những năm tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, hiệp thông, đồng hành, chia sẻ của người Công giáo, góp phần xây dựng quê hương Nam Định giàu đẹp, văn minh; phấn đấu có từ 40 - 45% hộ giáo dân giàu, hộ khá từ 45 - 50%, giảm số hộ cận nghèo, nghèo xuống dưới 5%, ông Trần Huỳnh Tấn cho biết./.

Bài, ảnh: An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực