Ngày 30/7, Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”.
|
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: DK) |
Khu vực lao động phi chính thức phải chịu nhiều sức ép trong nền kinh tế số
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, chia sẻ: Hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm gần 50%, tập trung vào nữ lao động ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số.
Lao động nữ khu vực phi chính thức bị hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có thể là nguyên nhân khiến họ không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù công việc đó có khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu. Không những vậy, lao động nữ phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính trong xã hội hiện đại.
Trong khi đó, những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành, như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do” dựa trên nền tảng trực tuyến. Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, công nghệ là cơ hội nhưng cũng là rào cản đối với người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp. Những vấn đề mà người lao động khu vực phi chính thức đang gặp phải đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) là cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhận ra và đã có một số nội dung sửa đổi lớn.
Buổi tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” được tổ chức ở thời điểm Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và đang lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân góp ý, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10/2024.
Tại buổi Tọa đàm, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết: Đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp. Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định; tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 - 9 năm và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.
Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi trong nền kinh số - thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người.
Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm. Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn. Và rất nhiều vấn đề thời sự đặt ra, cùng với đó là yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm 2013 cho phù hợp với thực tế.
|
Các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: DK) |
Nhiều chính sách hỗ trợ miền phí dạy nghề
Là khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho hay, trong những năm qua, hằng năm, Trung tâm đã tổ chức những Hội nghị về thông tin tuyên truyền công tác đào tạo nghề hạn cho lao động thất nghiệp, đây là hỗ trợ miễn phí cho người lao động đang thụ hưởng chính sách Bảo hiểm thất nghiệp để thu hút cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực tham gia, giúp cho người lao động có nhiều cơ sở đào tạo nghề, nhiều ngành nghề để người lao động lựa chọn.
Theo bà Vũ Thanh Liễu, hiện nay, Trung tâm có 11 đơn vị cơ sở nghề nghiệp đã đăng ký tham gia cho lao động Bảo hiểm thất nghiệp, với hơn 40 ngành nghề đào tạo, phù hợp với lao động khu vực nội - ngoại thành Hà Nội như: Kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng; nghề cơ khí, sửa chữa điện lạnh, điện tử, điện công nghiệp; nghề làm đẹp, chăm sóc da, nối mi; nghề phục vụ ở ngoại thành như chăm sóc cây cảnh, cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi; mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng. Trong đó, nhiều ngành nghề phù hợp với lao động là phụ nữ. Bởi theo thống kê tỷ lệ thất nghiệp, ngoài 35 tuổi, nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam. Trung tâm đã tích cực thông tin tuyên truyền để nhiều người lao động biết đến quyền lợi rằng ngoài được trợ cấp khoản tiền nhất định trong thời gian họ bị mất việc, họ còn được tư vấn việc làm miễn phí và đặc biệt tư vấn học nghề miễn phí để họ có nghề nghiệp nhất định, sớm chuyển đổi mục đích, quay trở lại với thị trường lao động.
Còn theo quan điểm của TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, phần lớn lao động ở các làng nghề là lao động phi chính thức, mặc dù có nghề, công việc rất ổn định, làm việc quanh năm, nhiều giờ trong ngày nhưng họ vẫn là phi chính thức bởi không có quản lý chính thức nào, không có hợp đồng lao động...
Về đào tạo nghề, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tự nhận thấy có trách nhiệm là cầu nối trung gian để chính sách của Nhà nước được lan tỏa. Trong đó, Hiệp hội làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, việc các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng cha truyền con nối, truyền tay chỉ việc nên việc tuyển sinh người học cũng rất khó khăn. Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã thực hiện tổ chức các buổi hội thảo về công tác an toàn lao động cho người lao động ở một số làng nghề.
TS. Tôn Gia Hóa đề nghị có chính sách đào tạo nghề ở khu vực làng nghề cho phù hợp, có chế độ đối với các cụ cao niên, lành nghề. Mời những người giỏi nghề để dạy lại những thế hệ sau. Đồng thời mong muốn tôn vinh các nghệ nhân để họ có tiếng nói, nhận dự án về đào tạo nghề của Nhà nước./.