Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn tại Đà Nẵng

Thứ ba, 30/01/2024 18:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đến nay, qua việc đổi thay, sáp nhập các tổ dân phố và thôn trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy, cả 04 nhiệm vụ trọng tâm mà Chỉ thị 21 nêu ra đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn tại từng khu dân cư. Đặc biệt, mối quan hệ công tác giữa chi bộ với tổ dân phố, thôn, ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội dưới phường, xã ngày càng được thể hiện rõ ràng hơn, dần đi vào nề nếp, thực chất hơn.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thi số 21-CT/TU ngày 30/10/2012 của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với nhiều điểm cầu trên toàn TP

Chiều 30/1, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức Hội nghị (trực tuyến) tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thi số 21-CT/TU ngày 30/10/2012  của Ban Thường vụ Thành uỷ về tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, căn cứ quy định của Bộ Nội vụ và thực tiễn quản lý, thành phố đã 02 lần triển khai sắp xếp thay đổi quy mô tổ chức của tổ dân phố và thôn trên phạm vi toàn thành phố. Theo đó đến nay, toàn TP có 2.911 tổ dân phố, thôn; trong đó có 2.798 tổ dân phố và 113 thôn.

Về quy mô, đối với tổ dân phố dưới 80 hộ gia đình có 1.604 tổ, chiếm 57,3%; quy mô từ 80 đến dưới 150 hộ gia đình có 1.009 tổ, chiếm 36,1%; quy mô từ 150 đến dưới 300 hộ gia đình có 162 tổ, chiếm 5,8%; quy mô từ 300 hộ gia đình trở lên (đảm bảo theo quy định của Trung ương) có 23 tổ, chiếm 0,8%.

Đối với thôn, quy mô dưới 250 hộ gia đình có 36 thôn, chiếm 31,9%; quy mô từ 250 đến dưới 350 hộ gia đình có 16 thôn, chiếm 14,1%; quy mô từ 350 hộ gia đình trở lên có 61 thôn, chiếm 54,0%.

Trong các tổ dân phố và thôn kể trên có 149 tổ dân phố được thành lập ở 62 khu chung cư thuộc các quận; riêng huyện Hòa Vang có 01 khu chung cư thuộc thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu và có 37 tổ dân phố được thành lập ở 11 khu đô thị.

Trao đổi tại Hội nghị, các ý kiến thống nhất nhận định: Đến nay, qua việc đổi thay, sáp nhập các tổ dân phố và thôn trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy, cả 04 nhiệm vụ trọng tâm mà Chỉ thị 21 nêu ra đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn tại từng khu dân cư. Đặc biệt, mối quan hệ công tác giữa chi bộ với tổ dân phố, thôn, ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội dưới phường, xã ngày càng được thể hiện rõ ràng hơn, dần đi vào nề nếp, thực chất hơn; về cơ bản các chi bộ đã lãnh đạo các tổ chức dưới phường, xã phối hợp thực hiện khá tốt nhiệm vụ của tổ chức mình, đặc biệt là sự thống nhất trong hệ thống các tổ chức dưới phường, xã khi thực hiện nhiệm vụ đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ lãnh đạo, quản lý ở khu dân cư phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan, đơn vị các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị kể trên và quan tâm kiện toàn, tổ chức, hoạt động của các tổ dân phố; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đến cán bộ tổ dân phố, thôn nên chất lượng cán bộ tổ dân phố, thôn không ngừng được nâng cao. Đa số tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn là những cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, gắn bó hết mình với nhiệm vụ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và có uy tín được Nhân dân tín nhiệm. Đồng thời với đó, nhờ thường xuyên bám sát địa bàn dân cư quản lý nên cán bộ tổ dân phố, thôn nắm chắc tình hình tại tổ dân phố, thôn nhất là việc quản lý biến động nhân khẩu, vệ sinh môi trường nắm chắc hoàn cảnh từng gia đình nên phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh tại khu dân cư để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị lên cấp trên giải quyết. Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn có thời gian kinh nghiệm công tác trên 10 năm có số lượng lớn với 1.946 trường hợp, trong đó có cán bộ tổ dân phố, thôn với thâm niên 20, 30 năm.

Cùng với những nhận định trên, theo thống nhất tại Hội nghị, các tổ dân phố trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua đã đi vào hoạt động ổn định, tích cực, tương đối đồng đều. Quy mô tổ dân phố như hiện nay là thuận lợi, số hộ gia đình không quá nhiều, vị trí địa lý liên cư liên địa nên tạo điều kiện cho tổ trưởng tổ dân phố trong công tác quản lý, tuyên truyền đặc biệt huy động, nhắc nhở Nhân dân tham gia sinh hoạt dễ hơn, chất lượng truyền tải thông tin đến Nhân dân đảm bảo yêu cầu, người dân ý thức hơn việc tham gia sinh hoạt để nắm tình hình và tích cực hơn trong việc đóng góp ý kiến, đẩy mạnh các hoạt động phong trào tại khu dân cư góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các thôn thuộc huyện Hòa Vang tuy quy mô lớn, số hộ gia đình nhiều nhưng việc quy định rõ nhiệm vụ tại Chỉ thị số 21-CT/TU đã giúp cán bộ thôn nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn, công việc của mình trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại thôn.

Cùng với đó, cán bộ, công chức phường, xã thường xuyên tham dự sinh hoạt cùng tổ dân phố, thôn nên sát dân hơn, kịp thời nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của người dân để báo cáo, tham mưu lãnh đạo phường, xã cách giải quyết. Việc quan tâm lắng nghe ý kiến, kịp thời đề đạt nguyện vọng của Nhân dân giúp lãnh đạo thành phố có cơ sở xem xét và có quyết định đúng đắn, phù hợp trong công tác giải tỏa đền bù, an sinh xã hội.

Hội nghị cho rằng tổ dân phố, thôn là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước đến với người dân ở từng địa bàn dân cư

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạo được, hiện toàn thành phố có 41,9% tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn từ 60 tuổi trở lên và 61,5% chưa có trình độ đào tạo về chuyên môn. Chất lượng một số tổ trưởng tổ dân phố và trưởng thôn chưa đồng đều ở một số khu vực; có tình trạng tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn thiếu kinh nghiệm, lớn tuổi, sức khỏe chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành, khả năng truyền đạt thông tin, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động phong trào xã hội tại địa phương và tổ chức các hoạt động khác.

Do tính chất, khối lượng công việc ngày càng nhiều nên một số địa phương gặp khó khăn trong vận động người tham gia làm cán bộ tổ dân phố, thôn. Việc huy động cán bộ tổ dân phố, thôn là người trẻ tuổi gặp khó khăn do lực lượng này phải mưu sinh cuộc sống. Một số địa phương do khó khăn về nhân sự nên cán bộ tổ dân phố, thôn kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách khác, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tại cơ sở.

Nội dung sinh hoạt một số tổ dân phố, thôn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút sự tham gia của Nhân dân. Một số tổ dân phố, thôn tham gia nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn chưa tốt, chưa kịp thời phát hiện, phản ảnh những vụ việc xảy ra trong khu dân cư. Một số tổ dân phố, nhất là ở khu vực trung tâm, chủ hộ gia đình có nhà cho thuê không cư trú tại địa phương nên không tham gia các nghĩa vụ cũng như không tham gia sinh hoạt tại tổ dân phố. Một số phường có số lượng công nhân, sinh viên tạm trú lớn, thường xuyên thay đổi nơi tạm trú nên gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú của tổ dân phố; đối với phòng cho thuê trọ vắng chủ gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú, vệ sinh môi trường; việc thống kê số lượng người thuê trọ để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, di dời dân do thiên tai,… gặp nhiều khó khăn, công tác phối hợp với công an khu vực chưa kịp thời trong quản lý người tạm trú. Công tác phối hợp hoạt động của tổ dân phố, thôn với Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể đôi lúc, đôi nơi chưa thực sự hiệu quả, chưa thường xuyên nên nội dung một số phong trào còn hạn chế….

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Hội nghị xác định tập trung củng cố, kiện toàn quy mô tổ chức tổ dân phố, thôn; tiếp tục phát huy vai trò của tổ dân phố, thôn tham gia tích cực làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân để thông tin, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ Nhân dân tại khu dân cư cùng nhau đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp của Nhà nước, các nhiệm vụ do chính quyền địa phương triển khai.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị đối với hoạt động của tổ dân phố, thôn; tiếp tục quan tâm về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở tổ dân phố, thôn theo quy định hiện hành và khả năng cân đối ngân sách của địa phương; tiếp tục có giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ tổ dân phố, thôn và nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực