Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS &MN ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong điều kiện có nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan nhưng vẫn nỗ lực thực hiện khá hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS &MN của tỉnh.
Đồng chí cho rằng, Quảng Nam là địa phương có nhiều chính sách đặc thù riêng để phát triển để hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS &MN của tỉnh. Cùng với đó, trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS &MN của tỉnh, Quảng Nam cũng có những chủ động, tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhờ đó, bức tranh vùng đồng bào DTTS &MN của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc; nhiều vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo và cụ thể hoá, tổ chức thực hiện các quy định, chỉ đạo của Trung ương hiệu quả.
“Mặc dù có những khó khăn nhưng Quảng Nam đã từng bước tìm cách tháo gỡ; chủ động rà soát, phối hợp để tháo gỡ đảm bảo quy trình, yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, việc triển khai, phân bổ các nguồn lực sớm để thực hiện đạt những kết quả nhất định. Qua kiểm tra và qua báo cáo của địa phương, cho thấy việc phối hợp giữa địa phương với Trung ương, giữa các cấp từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thống nhất, thường xuyên, vì thế đã giúp quá trình triển khai Chương trình mang lại hiệu quả thiết thực.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Hầu A Lềnh lưu ý: Cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, Quảng Nam phải tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án liên quan đến khu vực đồng bào DTTS &MN của tỉnh. Mục tiêu là phải hướng đến việc triển khai các dự án, chương trình ngày càng hiệu quả, đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương.
Đồng chí yêu cầu, Quảng Nam phải quan tâm xem xét và tìm ra các mô hình hiệu quả để nhân rộng. “Trước mắt có thể thí điểm, đồng thời báo cáo với Trung ương để hỗ trợ, xin “cơ chế đặc thù”, chẳng hạn như mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi của tỉnh”- đồng chí Hầu A Lềnh gợi ý; đồng thời thông tin thêm, về phần Uỷ ban Dân tộc hiện cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ cơ chế đặc thù, xác định vùng, địa bàn có ưu thế để cho làm thí điểm các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các loại nông phẩm có gia trị để nhân rộng, phát triển.
Đồng chí Hầu A Lềnh cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chú ý tổ chức việc phân bổ vốn và triển khai một số dự án, nhất là Dự án 5, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị các trường dân tộc nội trú hiện nay phải thực hiện hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu. Đồng thời, tỉnh phải quan tâm chú ý thực hiện tốt việc chi trả tiền rừng cho người dân, đảm bảo để động viên người dân tham gia bảo vệ rừng.
“Đối với nguồn vốn hỗ trợ về rừng, việc giao rừng cho dân đã đúng chưa hay người dân chỉ tham gia giữ rừng, còn rừng vẫn là của Ban quản lý bảo vệ rừng địa phương. Nếu vấn đề này còn bất cập, cần có giải pháp để tháo gỡ, thậm chí nếu liên quan đến luật phải sửa đổi thì báo cáo để đề nghị Ban Thường vụ Quốc hội sửa luật” - đồng chí Hầu A Lềnh lưu ý thêm và đánh giá: Bên cạnh kết quả thì không ít các khó khăn, vướng mắc cũng bộc lộ. Do đó, tới đây Quảng Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ, Trung ương sẽ phối hợp với địa phương để thực hiện. Trong đó có việc sửa các văn bản để giải quyết, tránh sự chồng chéo, thiếu rõ ràng về trách nhiệm của các ngành, đơn vị; đồng thời giải đáp để địa phương nắm và thực hiện đúng quy định; tiếp tục phát hiện những bất cập để bổ sung, hoàn thiện những nội dung liên quan đến Chương trình chưa có, còn thiếu.
Đồng chí đề nghị Quảng Nam tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt những nội dung đã rõ, đã cụ thể hoá, kể cả việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn; địa phương phải chủ động, tập trung những địa bàn khó khăn trước để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả các dự án, chương trình.
“Thông qua kiểm tra, giám sát để phát hiện những khó khăn, bất cập. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để kiểm tra, giám sát, triển khai các chương trình, dự án được đảm bảo công khai, dân chủ và thiết thực”- đồng chí Hầu A Lềnh lưu ý.
Dịp này, đồng chí Hầu A Lềnh cũng tiếp thu, ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo với Trung ương nhằm có những chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho địa phương./.