Nâng cao nghiệp vụ báo chí về phòng chống đuối nước cho trẻ em

Thứ năm, 10/10/2024 21:18
(ĐCSVN) - Thông qua buổi tập huấn, các cơ quan báo chí truyền thông sẽ có cái nhìn bao quát, chính xác để vào cuộc mạnh mẽ hơn, giúp xã hội, cộng đồng hiểu đúng bản chất hiện trạng công tác phòng, chống đuối nước trẻ em hiện nay tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tập huấn. (Ảnh: CM) 

Ngày 10/10, tại Bình Dương, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá (đơn vị vận động chính sách y tế toàn cầu) Hoa Kỳ tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam cho phóng viên, báo chí.

Thông qua buổi tập huấn, các cơ quan báo chí truyền thông sẽ có cái nhìn bao quát, chính xác để vào cuộc mạnh mẽ hơn, giúp xã hội, cộng đồng hiểu đúng bản chất hiện trạng công tác phòng, chống đuối nước trẻ em hiện nay tại Việt Nam. Đồng thời, khẳng định trách nhiệm của các bên trong việc góp phần làm giảm tình trạng xảy ra tai nạn đuối nước, mục tiêu là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, kỹ năng, giảm tỷ lệ đuối nước trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, toàn cầu có hơn 300.000 trường hợp bị đuối nước, trong đó, nam giới có nguy cơ bị đuối nước cao gấp hai lần nữ giới. Hơn 90% các ca tử vong do đuối nước xảy ra chủ yếu tại các nước có mức thu nhập trung bình và thấp.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ riêng năm 2020 tại Việt Nam có gần 2.000 ca tử vong do đuối nước, được coi là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người từ 1-24 tuổi tại Việt Nam. Nguyên nhân đuối nước do các yếu tố tự nhiên như thiên tai, lũ lụt và việc trẻ em chơi ở gần nước nhưng thiếu sự giám sát của người lớn trong khi các em thiếu kỹ năng bơi, thiếu an toàn trong môi trường nước hoặc sử dụng phương tiện giao thông đường thủy nhưng không bảo đảm an toàn, thiếu biện pháp bảo hộ…

ThS. Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign for Tobaco Free Kids cho rằng, kết quả can thiệp từ Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids thực hiện, đã có 44.398 trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn; 52.250 trẻ từ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn; 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng, chống đuối nước trẻ em…

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng đưa ra một số mục tiêu truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em cần đạt được là: 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030. 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Chia sẻ hướng dẫn của WHO và kinh nghiệm quốc tế về việc phòng, chống đuối nước, Tiến sĩ Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị 4 chiến lược và 6 biện pháp can thiệp để phòng ngừa đuối nước, trong đó, tập trung vào việc bảo đảm các cơ chế từ những quốc gia đưa ra để có một phương pháp tiếp cận, phối hợp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng đuối nước./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực