Nâng cao nhận thức người dân về Đường dây nóng 111

Thứ ba, 28/07/2020 12:12
(ĐCSVN) - Đường dây nóng 111 đã đi vào hoạt động được 8 năm, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhiều người Việt Nam biết đến. Chính vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Đường dây nóng 111 kết hợp cùng với vấn đề mua, bán người để tất cả mọi người biết đến Đường dây nóng và sử dụng dịch vụ này khi cần thiết.

" Cánh tay nối dài" vì sự bình yên của mỗi gia đình

 Ông Kobayashi Ryutaro – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: JICA)

Đây là nhận định do ông Kobayashi Ryutaro – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân “Ngày toàn dân phòng chống mua, bán người” và “Ngày thế giới phòng chống mua, bán người” 30/7.

Phóng viên (PV): Mục đích của dự án Đường dây nóng 111 là tăng cường tư vấn, hỗ trợ nạn nhận mua bán người ở cấp độ khu vực. Theo ông vấn đề này đã được triển khai hiệu quả như thế nào trong thời gian qua? Ông hãy đánh giá hiệu quả của Đường dây nóng trong việc giải cứu các vụ mua, bán người và hỗ trợ nạn nhân tại Việt Nam?

Ông Kobayashi Ryutaro: Là dự án đầu tiên tập trung vào thiết lập và phát triển Đường dây nóng phòng, chống mua bán người tại Việt Nam, dự án cho đến nay đã hỗ trợ hiệu quả hoạt động tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người tại các vùng địa phương thông qua Đường dây nóng với số điện thoại 111 – hiện đã đi vào hoạt động song song với số điện thoại 18001567 là số ban đầu của đường dây.

Thông qua pha 1 (7/2012 – 3/2017) và pha 2 dự án (11/2018 - nay, dự kiến kết thúc vào năm 2021), dự án đã hỗ trợ tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan (Công an – Biên phòng – Phụ nữ - Lao động), qua đó giúp đưa các dịch vụ hỗ trợ kịp thời và toàn diện đến với các nạn nhân của mua bán người; thiết lập hệ thống tổng đài của đường dây nóng với Tổng đài Trung tâm tại Hà Nội, và 2 Tổng đài còn lại ở Đà Nẵng và An Giang, cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuyên suốt 3 miền Bắc-Trung-Nam; nâng cao năng lực cho khoảng 30 nhân viên tư vấn của 3 Tổng đài với 171 lượt đào tạo nâng cao kiến thức liên quan tới phòng chống mua bán người, kỹ năng tư vấn, kết nối dịch vụ chuyển tuyến. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về phòng chống mua, bán người và dịch vụ của đường dây nóng cũng được nâng cao trong thời gian qua nhờ có các chiến dịch truyền thông của dự án.

Hiện nay, trong khuôn khổ giai đoạn 2 của dự án với tên gọi “Dự án tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”, JICA đang tích cực phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhằm tiếp tục tăng cường kết nối liên ngành ở cấp trung ương và cấp địa phương. Ngoài ra, với các trang thiết bị cần thiết mà JICA mua sắm cho 3 Tổng đài, dự án cũng đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo cung cấp kỹ năng, kiến thức cho nhân viên tư vấn. Dự án cũng xây dựng được các tài liệu truyền thông (tờ rơi, video clip, áp phích vv…) quảng bá về đường dây nóng 111.

Cho đến nay, Đường dây nóng đã tiếp nhận 11.526 cuộc gọi, trong đó, khoảng 237 cuộc gọi đã được chuyển tuyến đến các đơn vị liên quan để hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, và các cuộc gọi còn lại đã tiếp nhận từ Đường dây nóng các thông tin chung về mua bán người, tư vấn về di cư an toàn, xuất khẩu lao động tìm việc làm, các chính sách hỗ trợ dành cho nạn nhân của mua bán người, trong đó có tư vấn tâm lý và hỗ trợ can thiệp chuyển tuyến.

PV: Tại sao JICA lại chọn Việt Nam để triển khai hỗ trợ thông qua hình thức Đường dây nóng phòng chống mua, bán người?

Ông Kobayashi Ryutaro: An ninh con người là trọng tâm trong mọi hoạt động hợp tác của JICA trên toàn thế giới. Khuôn khổ hỗ trợ phòng chống mua bán người gồm 4 mảng chính, hay còn gọi là 4P: Policy – Chính sách, Prosecution – Khởi tố, Protection– Bảo vệ và Prevention – Phòng ngừa. Tại khu vực tiểu vùng sông Mekong, ngoài Việt Nam, JICA có thực hiện các dự án tại Thái Lan và Myanamar với nội dung liên quan trực tiếp tới nạn nhân bị mua bán như xác minh nạn nhân, đào tạo nghề, hỗ trợ tái hòa nhập. Với Việt Nam, theo đề xuất của Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi đã thực hiện dự án (như đã nói phần đầu) từ năm 2012 với trọng tâm là công tác phòng ngừa, và Đường dây nóng được coi là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân tiếp cận được với các dịch vụ thiết yếu.

PV: Ông hãy cho biết cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng đã được thực hiện hiệu quả như thế nào trong thời gian qua?

Ông Kobayashi Ryutaro: Nhóm liên ngành (Công an – Biên phòng – Phụ nữ - Lao động) ở cấp trung ương đã có sự phối hợp nhịp nhàng và kết nối chặt chẽ với nhau khi có cuộc gọi chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân. Tại An Giang, nhóm công tác liên ngành cũng phối hợp rất tốt và duy trì họp quý về đường dây nóng. Tại Đà Nẵng, nhóm công tác liên ngành hiện đang trong giai đoạn hình thành. Ngoài ra, trong dự án giai đoạn 2, nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng tại 3 miền, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết định thành lập mạng lưới cán bộ đầu mối (focal point) của đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Dự án đã tiến hành đào tạo được 99 cán bộ đầu mối của 52 tỉnh, thành. Các cán bộ đầu mối này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò cốt yếu trong kết nối chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân.

PV: Với vai trò phụ trách đường dây nóng, ông có khuyến nghị gì để nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về Đường dây nóng, nhất là những người sống ở vùng sâu vùng xa, công nghệ kém phát triển?

Ông Kobayashi Ryutaro: Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi liên quan đến một trong những mối quan tâm lớn của chúng tôi khi thực hiện các hoạt động phòng chống mua bán người. Đây là thách thức đòi hỏi chúng ta cần tăng cường truyền thông rộng rãi và có hiệu quả nhằm giới thiệu về đường dây nóng với các dịch vụ được cung cấp tới đông đảo người dân Việt Nam.

Cho vấn đề này, JICA cùng với các đối tác của dự án là Cục Trẻ em đã phối hợp xây dựng clip, làm tờ rơi, lịch treo tường và phim hoạt hình (với TƯ Hộị Phụ nữ) để giới thiệu về Đường dây nóng 111. Trong sự kiện tuyên truyền cho Ngày Phòng chống mua, bán người quốc gia 30/7 sắp tới của Việt Nam, JICA sẽ tham gia tích cực cùng Hội Phụ nữ để tiến hành truyền thông cộng đồng tại địa bàn huyện Con Cuông – tỉnh Nghệ An.

Theo khảo sát quy mô nhỏ mà JICA tiến hành năm 2019 với 300 người dân tại Cao Bằng, Tây Ninh và Hà Tĩnh, chỉ có 12,3% được hỏi là biết về đường dây nóng 111. Khảo sát cũng cho biết 86,5% trong số những người biết về đường dây nóng đã tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đường dây nóng 111 đã đi vào hoạt động được 8 năm, tuy nhiên, vẫn chưa nhiều người Việt Nam biết đến Đường dây nóng này. Chúng tôi rất kỳ vọng rằng thông tin về Đường dây nóng 111 thời gian tới sẽ được quảng bá một cách rộng rãi và liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam kết hợp cùng với vấn đề về mua bán người, qua đó, tất cả mọi người sẽ biết đến Đường dây nóng và sử dụng dịch vụ của Đường dây nóng khi cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực