Sáng 22/7, Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, để đảm bảo việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, trên tinh thần “Nhận thức đúng, hành động đúng”, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, 100% cơ quan, địa phương, đơn vị đã triển khai, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW đến đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Các đảng ủy phường, xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đến chi bộ các khu dân cư. Hằng tháng, từ Bí thư chi bộ khu dân cư đến bộ máy cấp cơ sở đều tham gia quản lý tín dụng chính sách nhằm đảm bảo chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài Trung ương và địa phương phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời tới các tầng lớp Nhân dân.
Cùng với công tác triển khai, quán triệt, lãnh đạo Thành uỷ và cấp uỷ các cấp tại Đà Nẵng cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội được nâng cao; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được hoàn thiện; TP cũng bố trí, huy động nguồn lực ủy thác sang NHCSXH. Theo đó, đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 5.022,72 tỷ đồng, tăng 3.802,77 tỷ đồng (311,77%) so với năm 2014, trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.817,88 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56%/tổng nguồn vốn, tăng 1.688,77 tỷ đồng (149,57%) so với năm 2014; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 2.204,56 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44%, tăng 2.113,95 tỷ đồng (2.332,87%) so với năm 2014.
UBND các cấp đã ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến ngày 30/6/2024 đạt 2.113,95 tỷ đồng (trong đó TP tăng 2.102,6 tỷ đồng, huyện Hòa Vang tăng 11,3 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2024 đạt 2.204,56 tỷ đồng.
Việc huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội chủ yếu qua hình thức gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân. Số dư huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân đến ngày 30/6/2024 đạt 202,25 tỷ đồng, tăng 194,78 tỷ đồng so với năm 2014. Nhằm tạo điều kiện cho tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thực hành tiết kiệm và từng bước tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, thời gian qua, NHCSXH đã đẩy mạnh thực hiện huy động tiền gửi thông qua các Tổ TK&VV. Đến ngày 30/6/2024, đạt 273,14 tỷ đồng, tăng 186,33 tỷ đồng (tăng 214,64%) so với năm 2014.
Hiện TP đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng (14 chương trình tín dụng chính sách của Trung ương và 12 chương trình tín dụng chính sách địa phương quy định). Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 11.090,55 tỷ đồng, với 247.164 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 7.718,04 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.011,73 tỷ đồng, tăng 3.794,70 tỷ đồng so năm 2014, với 85.919 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 58,33 triệu đồng, tăng 43,18 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp..
Theo đại diện UBND TP Đà Nẵng, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn TP cho thấy, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều khó khăn, hạn chế cũng đã được Hội nghị nêu ra, trong đó đáng chú ý là công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự gắn kết, hiệu quả, đồng bộ. Quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chưa có nhiều chương trình, dự án liên kết. Sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vào nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội còn khá hạn chế.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Hội nghị xác định sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phù hợp với thực tiễn; quan tâm bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn./.