Ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực hết mình vì sự nghiệp an sinh xã hội

Thứ bảy, 21/01/2017 16:26
(ĐCSVN) - Năm 2016 là một năm đầy vất vả và áp lực đối với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, Ngành đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã chia sẻ với báo chí về nỗ lực vượt khó để đạt được những thành công của toàn Ngành trong một năm qua.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh. Ảnh: A.Kiên

Phóng viên (PV): Xin Tổng Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật mà ngành BHXH đã đạt được trong năm 2016? Và, bước sang năm 2017, BHXH Việt Nam đặt ra những giải pháp gì để đạt kết quả tốt hơn?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Có thể nói, năm 2016 là một năm vất vả và đầy áp lực đối với ngành BHXH. Toàn Ngành đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó: số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp đạt 257.297 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch giao; giải quyết các chế độ BHXH cho 8,67 triệu lượt người (chưa bao gồm khối lực lượng vũ trang); thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 146,7 triệu lượt người…

Để đạt được những kết quả trên, ngành BHXH đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, luôn bám sát chương trình, kế hoạch công tác và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp, từ đó triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật đó là, lần đầu tiên ngành BHXH đã xây dựng được Hệ thống cơ sở dữ liệu của 24,2 triệu hộ gia đình (cơ bản đạt tỷ lệ 100% dân số cả nước) với các thông tin cá nhân thiết yếu liên quan đến từng người dân, tạo nền tảng để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình theo quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc.

Tiếp đến, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT cũng đạt được nhiều thành công. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2016. Ngành BHXH đã chủ động đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu phát triển BHYT của cả giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng tăng so với mục tiêu trước đây. Với sự chủ động của Ngành BHXH và sự nỗ lực của hệ thống chính trị, tôi tin đến năm 2020, chúng ta sẽ đạt chỉ tiêu điều chỉnh với trên 90% dân số tham gia BHYT và mục tiêu BHYT toàn dân sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa. Có thể nói, đây là sự nỗ lực của toàn Ngành và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành BHXH tiếp tục ghi dấu ấn với việc giảm mạnh về thời gian, thủ tục BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng có nhiều khởi sắc, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy chính quyền các cấp, triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới tận cơ sở và người dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực thi pháp luật về BHXH, BHYT; góp phần nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 81,8%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp. Nợ BHXH, BHYT còn cao; đặc biệt là số nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản chưa có cơ chế xử lý, gây khó khăn cho việc giải quyết chính sách đối với người lao động. Việc lợi dụng chính sách để trục lợi quỹ BHYT diễn biến phức tạp; tiến độ ứng dụng CNTT vào giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng CNTT Ngành đã làm hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều việc dở dang,..

Để đạt kết quả tốt hơn trong năm 2017, ngành BHXH sẽ tập trung vào các giải pháp: Tiếp tục bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời triển khai các hoạt động của Ngành; Bám sát các chương trình, kế hoạch công tác để chỉ đạo BHXH các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; Phải có sự gắn kết tốt với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể để nâng cao nhận thức của người dân về thực thi chính sách, pháp luật BHYT.

PV: Cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp là một trong những mục tiêu trọng tâm được ngành BHXH triển khai. Vậy, chủ trương này đã được Ngành triển khai như thế nào, thưa bà?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Cải cách hành chính (CCHC) đang là nội dung được Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt và cũng là mục tiêu ngành BHXH theo đuổi. Thể hiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với Ngành cũng như hình ảnh của Ngành BHXH trước toàn thể xã hội.

Năm 2016, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng loạt các giải pháp cải cách TTHC đối với tất cả các tổ chức, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH và thực hiện cải cách nội bộ trong chính ngành BHXH nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai, trong đó chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các địa phương trên toàn quốc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về CCHC đối với doanh nghiệp.

Với việc tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; rà soát, đơn giản hóa thủ tục và các chỉ tiêu, biểu mẫu thực hiện chế độ BHXH, BHYT; triển khai giao dịch điện tử, thay đổi phương thức giao nhận hồ sơ giữa cơ quan BHXH với người dân và doanh nghiệp.... công tác CCHC đã đạt được kết quả đáng ghi nhận:  Thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục (giảm 01 thủ tục so với thời điểm cuối năm 2015); doanh nghiệp được lựa chọn các hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả như: thực hiện qua giao dịch điện tử, thực hiện qua dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp không phải trả phí) giúp đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Có thể nói năm 2016, BHXH Việt Nam đã CCHC vì người dân, các tổ chức liên quan và cải cách ngay trong chính cơ quan BHXH.

Trong CCHC thì ứng dụng CNTT là vô cùng quan trọng và ngành BHXH đang thực hiện hết sức quyết liệt. BHXH Việt Nam đã triển khai tin học hóa toàn diện trong các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành ở tất cả các lĩnh vực; đồng thời liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Việc triển khai phần mềm cấp số định danh và quản lý BHYT theo hộ gia đình; Phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành; Hệ thống thông tin giám định BHYT bước đầu cho kết quả khả quan góp phần CCHC, tạo thuận lợi cho người tham gia, người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

PV: Năm 2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT và tăng giá dịch vụ y tế đã khiến chi phí KCB của các tỉnh tăng cao. Với tác động như vậy thì tình trạng, mức độ an toàn của Quỹ BHYT như thế nào, thưa bà?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Có thể nói, việc thông tuyến KCB đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh khi người bệnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến huyện.

Tuy nhiên quy định về thông tuyến KCB, tăng giá DVYT mang lại nhiều tác động tích cực, nhưng cũng dẫn tới tăng chi quỹ BHYT, đồng thời xuất hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ từ cả người có thẻ BHYT và cơ sở KCB.

Qua thông tin tổng hợp trên Cổng thông tin giám định BHYT cho thấy, có trường hợp trong một tháng đi KCB BHYT tới 27 lần tại nhiều cơ sở KCB khác nhau. Ngoài ra, nhiều cơ sở KCB đề nghị xuống hạng để được thông tuyến, đồng thời dùng nhiều hình thức để khuyến mại, thu dung người bệnh đến KCB như tặng quà, tặng tiền vé ô tô đưa đón, khám kiểm tra sức khỏe…; một số người bệnh tìm đến những cơ sở KCB có cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn (chụp CT-Scanner, chụp cộng hưởng từ...) đề nghị được sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó. Nhiều cơ sở KCB chỉ định sử dụng nhiều thuốc đắt tiền; xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh… với mục đích thu được nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên việc quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn gặp khó khăn.

Số lượt KCB tại tuyến huyện tăng mạnh cùng với việc điều chỉnh giá DVYT (tính cả lương và phụ cấp) tác động kép làm gia tăng chi phí KCB BHYT.  

Vì vậy, việc thông tuyến KCB BHYT và tăng giá DVYT đã khiến chi phí KCB của các tỉnh tăng cao, dẫn đến 50 địa phương vượt quỹ KCB trong quý 3 năm 2016, gấp đôi so với năm 2015. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với cơ quan BHXH và toàn hệ thống y tế. Để giải quyết vấn đề này, BHXH Việt Nam đã triển khai hàng loạt các giải pháp để đảm bảo quỹ BHYT được quản lý, sử dụng hiệu quả đến mọi người dân. Nhìn một cách tổng thể, an toàn của quỹ BHYT vẫn được đảm bảo, năm 2016, quỹ vẫn giữ được cân bằng. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, vẫn phải tiếp tục để làm sao để quỹ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất.

PV: Vậy, Ngành BHXH có tăng giá đóng BHYT trong thời gian tới không thưa bà?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Với quản lý hiện nay, quỹ BHYT vẫn có khoản để cân đối cho năm tiếp theo. Người dân sẽ thấy một điều rất rõ là được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, sau đó một vài năm mới nâng mệnh giá thẻ BHYT, từ đó sẽ tạo được sự đồng thuận với ngành BHXH hơn./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực