|
Ngôi nhà Ánh Dương chính thức được đưa vào sử dụng và những phụ nữ đầu tiên tới ngôi nhà để tìm thấy sự bình yên mới. |
Ngôi nhà Ánh Dương thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, do Sở Lao động -Thương Binh và Xã hội quản lý. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện, bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực giới) vẫn xảy ra hằng ngày ở các quốc gia trong đó có Việt Nam, đây vẫn được xem là một trong những vấn đề vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên thế giới, có 1 người đã từng bị bao lực trong đời. Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 hiện nay, vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn. Tại Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA tại Việt Nam thực hiện năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ đã lập gia đình hay từng lập gia đình bị ít nhất một trong ba loại hình bạo lực (bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục hoặc bạo lực tinh thần vào một thời điểm nào đó trong đời). Khoảng 50% nạn nhân bị bạo lực đã không chia sẻ câu chuyện bạo lực mà họ phải chịu đựng với người khác và 87% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào từ các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Theo dữ liệu thống kê tỉnh Quảng Ninh, 555 vụ bạo lực trên cơ sở giới đã được ghi nhận trên toàn tỉnh trong 3 năm từ 2016 đến 2018, trong đó nạn nhân nữ chiếm 81%. Cụ thể, số ca bạo lực tinh thần chiếm 65,2%, bạo lực thân thể chiếm 29%; bạo lực tình dục chiếm 2,3% và bạo lực kinh tế chiếm 9,5%. Phần lớn nạn nhân 76,3% là người trong độ tuổi 16-59 tuổi. Trong các thời điểm khủng hoảng như thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực cao hơn, bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình leo thang. Bên cạnh đó, các dạng bạo lực giới khác như bị bóc lột và lạm dụng tình dục trong các tình huống này cũng có thể lan rộng. Tại một số quốc gia, số lượng phụ nữ gọi đến đường dây nóng tìm kiếm sự giúp đỡ đã tăng gấp đôi trong thời kỳ khủng hoảng này.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá: “Ngôi nhà Ánh Dương là 1 trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Vụ Bình đẳng giới thí điểm triển khai. Việc mở các cơ sở hỗ trợ người bị bạo lực giới như Ngôi nhà Ánh Dương là điều hết sức cần thiết – đó sẽ là địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực giới, nơi họ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và chăm sóc kịp thời, đầy đủ và có chất lượng. Nạn nhân bị bạo lực giới có thể được hỗ trợ về mặt y tế và chăm sóc các tổn thương thể xác, hỗ trợ tâm lý, đảm bảo an toàn và hỗ trợ tư pháp… Chúng tôi hy vọng rằng việc mở cửa Ngôi nhà Ánh Dương sẽ đóng góp hiệu quả vào nỗ lực chung của chúng ta trong việc ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.”
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam cho biết: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái làm tổn hại phẩm giá của các nạn nhân. Nó gây ra chi phí rất lớn không chỉ cho các nạn nhân mà còn cho các gia đình, cộng đồng và xã hội, thể hiện ở các khía cạnh sinh kế, sức khỏe, an toàn, thành tích học tập, năng suất lao động và các chi phí hành pháp. Chúng tôi tin rằng mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền sống trong môi trường không có bạo lực trên cơ sở giới. Các hoạt động của dự án, bao gồm xây dựng mô hình dịch vụ liên ngành một đầu mối sẽ mang lại sự hỗ trợ hiệu quả, chuyên nghiệp, mang tính nhạy cảm giới và được điều chỉnh phù hợp cho các nạn nhân bị bạo lực giới.”
|
Các nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương luôn túc trực 24/24 để hỗ trợ các nạn nhân. |
Được biết, nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương túc trực 24/24h. Các nhân viên được trang bị những kỹ năng cần thiết để giải quyết với những thông tin nhạy cảm liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực. Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương sẽ trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng, và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Với sự hỗ trợ của UNFPA, tổng đài Đường dây nóng miễn phí 1800 1769 được sử dụng để tiếp nhận thông tin, báo cáo các ca bạo lực giới để có biện pháp ứng phó 3 kịp thời và cung cấp tư vấn qua điện thoại trong các vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới. UNFPA có kế hoạch mở rộng phạm vi hỗ trợ đối với bạo lực trên cơ sở giới trong giai đoạn dịch COVID-19 và những giai đoạn tiếp theo để hỗ trợ Việt Nam xây dựng xã hội công bằng giữa phụ nữ và nam giới.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) phát biểu “UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và đạt được bình đẳng giới tại Việt Nam. Tôi kêu gọi tất cả mọi người cùng góp sức trong nỗ lực đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái có thể sống cuộc sống không có bạo lực; có tiếp cận bình đẳng về cơ hội và nguồn lực; tham gia vào các vị trí lãnh đạo và cùng tham gia vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Cùng nhau, chúng ta có thể thúc đẩy nỗ lực hướng đến một thế giới, nơi nam giới và phụ nữ, bé trai và bé gái đều được sống hạnh phúc với phẩm giá của mình”./.