Nhiều địa phương chuyển đổi trồng cây thuốc lá sang cây trồng khác

Thứ sáu, 16/09/2022 15:22
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện và tác động có hại về nhiều mặt: sức khỏe con người, môi trường sống, trật tự an toàn xã hội… Vì vậy, để góp phần làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, một trong những giải pháp quan trọng là làm giảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá.

Trong những năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án (như chương trình 30a, chương trình 135, chương trình 134, chương trình 132, chương trình xóa đói giảm nghèo…), đã tạo nguồn lực đáng kể nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các loại cây công nghiệp, cây ăn quả… Thời gian qua, nhiều địa phương đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp,  thu hẹp diện tích trồng cây thuốc lá để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Nhiều địa phương chuyển đổi trồng cây thuốc lá sang cây trồng khác (Ảnh minh họa: TL) 

Tại Cao Bằng, diện tích trồng cây thuốc lá hàng năm được trồng trên diện tích lúa 1 vụ (vụ Đông Xuân trồng thuốc lá, vụ Mùa trồng lúa). Sau khi thu hoạch cây thuốc lá, đất trồng được cải tạo, phơi khô, tơi xốp, tận dụng được chất dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho vụ Mùa phát triển nhiều loại cây trồng khác sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Trong những năm gần đây, doanh thu từ thuốc lá nguyên liệu trên trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 220 tỷ - 250 tỷ đồng/năm. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn vùng trồng thuốc lá đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều xã đã về đích Nông thôn mới, đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên về lâu dài, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Cao Bằng có những định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế, phù hợp với mục tiêu xây dựng vùng nông nghiệp thông minh phát triển các loại cây đặc sản đặc hữu theo hướng hàng hóa gắn với chế biến. Tại huyện Hòa An, Hà Quảng hiện là vùng nguyên liệu thuốc lá, định hướng sẽ phát triển các loại cây gia vị như: gừng, nghệ, ớt hữu cơ hướng tới xuất khẩu; đồng thời triển khai một số loại cây trồng thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt tại Hòa An, hạt dẻ tại Trùng Khánh, lê tại Nguyên Bình, Thạch An...

Tại Lạng Sơn, cây thuốc lá được trồng chủ yếu tại 5 huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan và Bình Gia với tổng diện tích khoảng hơn 2.100 ha.  Tuy cây thuốc lá là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng trong thời gian tới, khi thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và việc thực hiện các văn bản quy định của Luật, chắc chắn sẽ làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, kéo theo giảm nhu cầu sản lượng thuốc lá nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, làm giảm diện tích canh tác cây thuốc lá. Dự báo được tình hình thực tế, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có những bước chỉ đạo, phù hợp với thực tế và dự báo tương lai đối với loại cây công nghiệp này. Trước mắt tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các địa phương có ít diện tích trồng cây thuốc lá như Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Quan xây dựng các phương án chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá sang các loại cây trồng khác như: huyện Chi Lăng có hướng chuyển đổi sang trồng cây na, thực hiện sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 165,0 ha; thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước sang mở rộng diện tích cây có múi với quy mô 20,0 ha,...; huyện Bình Gia đang triển khai tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi dần các vùng trồng cây thuốc lá sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như rau, cây ăn quả.

Tại Ninh Bình, trong năm 2022 Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn phòng chống tác hại thuốc lá cho hơn 1.000 hội viên nông dân và cán bộ Hội. Không chỉ bỏ hút, nhiều hội viên nông dân sản xuất, trồng cây thuốc lá cũng dần từ bỏ, chuyển đổi sản xuất cây trồng. Cụ thể như ở huyện Yên Mô, có hàng trăm nông dân đã từ bỏ cây thuốc lá, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện chỉ còn số ít nông dân ở Khánh Dương (Yên Mô, Ninh Bình) là còn trồng cây thuốc lá. Hội Nông dân các cấp cũng đang truyền thông và hỗ trợ giúp các hộ này chuyển đổi sản xuất./.

Ngọc Văn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực