Nhiều địa phương siết chặt kỷ cương trong công tác cải cách hành chính

Thứ hai, 08/04/2024 10:34
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Xác định đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương đã nghiên cứu mở rộng giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

* Theo đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hồ Chí Minh được xác định là không có điểm kết thúc mà phải luôn được tiếp tục, được cải tiến, thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân, doanh nghệp và yêu cầu phát triển thành phố. Thủ trưởng các đơn vị phải triển khai kế hoạch CCHC năm gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh sở, ngành, địa phương. Từng cơ quan, sở, ngành, địa phương phải có kế hoạch đưa tất cả thủ tục hành chính (TTHC) lên môi trường số, vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP Hồ Chí Minh liên thông, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, gắn với kiểm tra, thanh tra, tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế.

Cùng với đó, tích hợp kết quả chương trình chuyển đổi số, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 vào hoạt động CCHC, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo trong hoạt động hành chính. Việc thực hiện chỉ số cải cách hành chính; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương; chuyển đổi số là một phong trào thi đua. Vì vậy, các đơn vị thi đua một cách thực chất, đạt kết quả thực chất, mục tiêu cuối cùng là nhận được sự hài lòng, khen ngợi của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Thủ Đức, bên cạnh những thuận lợi và sự nỗ lực của địa phương, để cải thiện mạnh mẽ các quy trình giải quyết TTHC, địa phương này đề xuất triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP Hồ Chí Minh linh động trong liên thông hai chiều tự động với hệ thống phần mềm chuyên ngành của TP Thủ Đức. Đồng thời, cung cấp số biên nhận dùng chung, mã khi tiếp nhận hồ sơ thông qua nền tảng liên thông tích hợp, đảm bảo mục tiêu đồng bộ toàn bộ dữ liệu về hồ sơ tiếp nhận, quy trình luân chuyển, kết quả giải quyết hồ sơ giữa hai hệ thống phần mềm trong quá trình thực hiện TTHC.

Được biết, TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu mở rộng, bổ sung các TTHC giải quyết trong 1 ngày làm việc. Bên cạnh đó, từng cơ quan, đơn vị chủ động, khẩn trương rà soát những vụ việc, hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp và xác định nguyên nhân, trách nhiệm, xây dựng tiến độ, giải pháp, chỉ tiêu phấn đấu để hoàn thành việc xử lý hồ sơ tồn đọng.

Cán bộ thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện nhiệm vụ tại công sở. (Ảnh: Báo BR-VT) 

*Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm qua, công tác cải CCHC được tiến hành đồng bộ các giải pháp thực hiện và nâng cao hiệu quả thực chất giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để tăng cường các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã đề ra một loạt giải pháp thực hiện đối với các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các cấp trên địa bàn, đó là tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách TTHC. Tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hoặc dứt khoát đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ TTHC quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành. Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ các cấp, tăng cường giám sát kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết TTHC để giảm tầng nấc trung gian và nhanh chóng, kịp thời chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định, 100% hồ sơ TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

Đồng thời thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của CBCC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, 100% Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu về số hoá kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực chưa được số hoá và lưu vào kho lưu trữ của tỉnh và kho cá nhân theo đúng tiến độ, đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ.

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dân dùng làm trung tâm. Kiên quyết chưa đưa vào xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với TTHC hoặc nhóm TTHC liên thông chưa có phương án cấu trúc lại và đơn giản hóa quy trình hoặc không phát sinh hồ sơ trong ba năm gần nhất; rà soát, tạm dừng cung cấp và nhanh chóng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đối với dịch vụ công trực tuyến không đáp ứng được mức độ dịch vụ đã công bố, chưa thông suốt và đơn giản, thuận lợi, giảm thời gian, chi phí thực hiện hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính...

*Thời qua tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, qua đó, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công có những chuyển biến tích cực. Mới đây, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị. Chấn chỉnh, quán triệt lại trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhất là trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám làm dẫn đến hồ sơ trễ hẹn. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính tại địa phương, đơn vị./.

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực