Sau gần một tuần được đưa vào áp dụng, cho đến nay, quy định này vẫn không nhận được ý kiến đồng thuận từ phía người sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt bình cứu hỏa trên xe ô tô 4 chỗ ngồi gây ra sự bất tiện trong thao tác lái xe, sự mất an toàn của một số loại bình chữa cháy không đủ tiêu chuẩn. Thậm chí có ý kiến cho rằng, thay vì cứu người, (việc bình chữa cháy có thể phát nổ nếu đặt trong môi trường vượt quá nhiệt độ cho phép) chủ phương tiện lại phải “đi viện” vì sự không an toàn khi đặt bình chữa cháy không đúng chỗ.
Về cơ bản, bình chữa cháy được sử dụng đúng nơi, đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Không ít những đám cháy được khống chế ngay khi mới bùng phát nhờ công năng của bình chữa cháy, điều này góp phần giảm thiểu rất nhiều những thiệt hại không đáng có. Để thiết bị chữa cháy phát huy được tác dụng, người sử dụng phải hiểu và biết cách sử dụng theo đúng cách. Tuy nhiên, ngoài việc yêu cầu chủ phương tiện bắt buộc phải lắp đặt bình chữa cháy trên xe, dường như quy định này “quên” không đề cập tới việc các chủ phương tiện cần phải có kiến thức tốt về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Khá nhiều lái xe cho biết việc mua bình chữa cháy lắp đặt trên phương tiện là do lo sợ bị phạt, ngoài ra chẳng có kiến thức về việc sử dụng bình chữa cháy. Một số người khác lại cho rằng, khi xe bốc hỏa thì việc nghĩ tới đầu tiên là làm sao thoát ra ngoài, chứ tâm trí đâu mà lo dập lửa.
Không chỉ dừng lại từ những bất cập trên, sự lo lắng của người sử dụng phương tiện hướng tới việc chất lượng của bình chữa cháy có được đảm bảo khi mang trên xe ô tô. Mới đây nhất, ngày 6/1/2016, phòng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đã khám phá, bắt giữ một cơ sở tư nhân có hành vi sản xuất bình chữa cháy giả tại quận Hoàng Mai – Hà Nội. Có thể thấy, lợi dụng từ sự lo sợ bị phạt của chủ phương tiện, nhiều kẻ đã lợi dụng để làm giả, làm nhái các sản phẩm này. Một số chủ cửa hàng nhập về các loại bình chữa cháy có giá thành rất rẻ, nhưng thiếu đảm bảo về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, sau đó bán với giá cao nhằm thu lợi.
Đáng chú ý, trước đó trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ ký gửi Bộ Công an góp ý kiến cho dự thảo Thông tư 57, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an xem xét lại cơ sở khi ban hành thông tư này. Qua đó, có thể thấy việc ban hành Thông tư 57 cũng chưa có sự nhất quán từ phía các cơ quan nhà nước.
Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Bình, công ty luật Bảo Ngọc – Đoàn luật sư Thành phố Hà nội cho rằng, quy định bắt buộc mang bình chữa cháy trên xe 4 chỗ ngồi là điều hoàn toàn thiếu thực tiễn. Ông Bình cho rằng thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam có nhiều dòng xe hiện đại trên thế giới, hầu như tất cả các loại xe này đều không thiết kế cho việc lắp đặt bình chữa cháy trên xe, điều này cho thấy việc bắt buộc phải trang bị là không thực sự cần thiết. Ngoài ra, vấn đề tác động của thời tiết với bình cứu hỏa đặt trên xe ô tô 4 chỗ là điều rất đáng xem xét, mối lo ngại của chủ phương tiện trong việc đặt bình chữa cháy trên xe phát nổ là hoàn toàn có cơ sở, thực tế cho thấy trước đây đã xảy ra việc bình chữa cháy tự phát nổ trong xe ô tô.
Xem xét trên phương diện pháp lý, Luật sư Bình cho rằng việc ban hành Thông tư 57 xuất phát từ quy định về PCCC, tuy nhiên phía đơn vị quản lý phương tiện là Bộ GTVT lại không có khuyến cáo về việc bắt buộc phải có bình chữa cháy trên xe ô tô 4 chỗ ngồi trong việc đăng kiểm phương tiện. Điều này cho thấy sự chồng chéo trong việc ban hành thông tư, mù mờ về cơ sở pháp lý. Một ví dụ được luật sư đưa ra là trường hợp ban hành quy định thiếu thực tế là về Quy định “ngực lép” không được lái xe.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Xe dưới 9 chỗ ngồi thiếu bình chữa cháy vẫn được đăng kiểm”. Theo ông Trí, quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với ô tô hiện hành chỉ bắt buộc ô tô chở khách từ 16 chỗ trở lên và xe chở hàng phải trang bị bình chữa cháy. Hiện kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT và trong các hạng mục kiểm tra hiện nay đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi không có phần nào yêu cầu kiểm tra bình chữa cháy.
Việc Bộ Công an không quy định cụ thể vị trí lắp bình chữa cháy sẽ dễ phát sinh nhưng tình huống mất an toàn. Ví dụ như việc lắp đặt bình chữa cháy tại vị trí hộc cửa xe ô tô, nếu không chú ý bình này có thể va chạm gây nổ, nếu bình chữa cháy lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh cũng rất dễ gây ra tai nạn bất ngờ.
Thiết nghĩ, mục tiêu xây dựng thông tư là hướng tới việc qui định để đảm bảo an toàn cho người dân về tính mạng tài sản, việc đảm bảo an toàn cháy nổ là điều cần thiết. Tuy nhiên việc ban hành cũng cần sự thiết thực, phù hợp với điều kiện về môi trường. Ngoài ra, khi ban hành quy định, cơ quan chức năng cũng nên có những hướng dẫn cụ thể về vị trí, cách lắp đặt, chất lượng cũng như hướng dấn, tư vấn cho người dân cách sử dụng hiệu quả của dụng cụ. Ban hành quy định là việc của cơ quan chức năng, nhưng để nhân dân hiểu và tự giác thực hiện lại là điều … cần suy nghĩ./.
Vũ Hoàng