Những nữ “thủ lĩnh” thôn, bản sáng tạo giúp dân ổn định cuộc sống

Thứ tư, 26/04/2023 10:17
(ĐCSVN) - Đến với xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An), hầu như ai cũng bất ngờ khi biết những người đứng đầu thôn, bản ở đây đều là phụ nữ. Bước chuyển biến mới trong nhận thức, suy nghĩ của đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt này đã giúp vai trò, vị thế của người phụ nữ vùng biên ngày càng được khẳng định.

Ông Đặng Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn, tự hào nói về những nữ “thủ lĩnh” của địa phương: “Toàn xã Môn Sơn chúng tôi có 14 chi bộ thôn, bản, thì hiện tại có 7 nữ Bí thư Chi bộ, 5 trưởng bản là nữ, trong đó có 1 đồng chí nữ là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản. Dù gánh vác nhiều công việc, trong đó có thiên chức trong gia đình, nhưng các nữ “thủ lĩnh” thôn, bản chúng tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị còn mạnh dạn chỉ đạo cũng như tham mưu, đề xuất được nhiều vấn đề, giải pháp liên quan đến việc phát triển kinh tế của người dân và thôn, bản kịp thời, rất sát và phù hợp với thực tiễn của địa phương”.

Chị Lô Thị Nam (người mặc áo hồng) đại diện bản Làng Cằng nhận Chứng nhận bản nông thôn mới năm 2022.

Chúng tôi gặp chị Lô Thị Nam (SN 1986) là Trưởng bản kiêm Chi trưởng Hội Nông dân bản Làng Cằng. Chị là một trong những “nữ thủ lĩnh” gắn bó lâu năm với thôn, bản và luôn được người dân kiêng nể, quý trọng.

Gương mặt mộc mạc cùng nét bình dị tươi tắn của người phụ nữ vùng sơn cước, Trưởng bản Lô Thị Nam vui vẻ nói: “Bản Làng Cằng của tôi mới về đích nông thôn mới năm 2022, đạt 15/15 tiêu chí. Chủ yếu bà con làm nông, chăn nuôi, so với sự phát triển kinh tế trước đây, thu nhập khá hơn trước, bình quân/hộ là 26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của bản Làng Cằng năm 2021 còn 27 hộ, năm 2022 giảm còn 24 hộ”.

“Là Trưởng bản, đương nhiên tôi phải nắm rõ các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước để còn truyền đạt đến người dân. Đây là khoá thứ 2 (từ năm 2019) tôi được bà con trong bản tín nhiệm giữ chức Trưởng bản. Trước đó, năm 2011, tôi làm công tác Hội phụ nữ, đến năm 2013 thì chuyển sang làm Hội nông dân, rồi từ năm 2019 đến nay làm Trưởng bản, kiêm Chi hội nông dân của bản Làng Cằng” – Trưởng bản Lô Thị Nam chia sẻ.

Theo chị Lô Thị Nam, đã từng làm công tác đoàn thể của Hội phụ nữ, khi nhận trách nhiệm là Trưởng bản, sẽ có nhiều bất cập, phải vận động từng công việc một. Trước đây, chỉ cần hội viên phụ nữ tin tưởng là đủ, nay còn phải làm gương mọi việc trong cuộc sống, xã hội để mọi người dân trong bản tin yêu, nghe theo, chị mới hoàn thành công việc.

Thuận lợi với một Trưởng bản ở xã biên giới Môn Sơn, đó là chính quyền địa phương luôn được Đồn biên phòng Môn Sơn giúp đỡ, hỗ trợ cùng vận động người dân làm vườn như thế nào cho đúng cách, được giúp cây giống, con giống cho dân. Chị Lô Thị Nam cho biết, với vai trò là Trưởng bản, chị làm bất cứ việc gì dù nhỏ nhất cũng đều phải công tâm với dân, phải được người dân tin tưởng. Việc khó, chị và gia đình Trưởng bản phải làm gương, đi đầu trong các phong trào của thôn, bản. “Từ việc làm kinh tế gia đình, làm sạch môi trường từ nhà mình ra đến ngõ. Hay việc đêm hôm người dân báo chỗ nhà này có thanh niên đánh nhau, chỗ nhà kia vợ chồng nảy sinh cãi vã… là nữ Trưởng bản, dù đêm tối, dù mưa rét, tôi vẫn phải lập tức chạy tới hiện trường, để giải quyết vấn đề. Nếu là Trưởng bản nam giới sẽ đỡ bất cập hơn chút về việc giải quyết vấn đề ban đêm. Nhưng là nữ Trưởng bản sẽ thuận hơn là mình biết phân tích phải trái, thiệt hơn, giải hoà dễ hơn nếu Trưởng bản là nam giới” – Trưởng bản Làng Cằng bộc bạch. 

Các "nữ thủ lĩnh" của xã biên giới Môn Sơn vận động bà con vệ sinh xóm ngõ giữ vệ sinh môi trường.

Không chỉ ở bản Làng Cằng, bản Nam Sơn cũng có hai nữ "thủ lĩnh" đảm trách cương vị Bí thư Chi bộ và Trưởng bản là chị Quang Thị Vân và chị Ngân Thị Xuyên. Bản Nam Sơn có 182 hộ, 823 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 89%. Điều đặc biệt ở bản này là người già và trẻ em chiếm đa số vì có nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa. Tuy “chân yếu tay mềm”, nhưng các chị “quán xuyến” việc thôn, việc bản rất chắc chắn. Đường giao thông nội bản đã được đổ bê tông sạch sẽ, mỗi gia đình có bóng đèn thắp sáng đầu ngõ vào ban đêm.

Ngoài mục tiêu động viên nhân dân tích cực phát triển chăn nuôi, trồng ngô, sắn, lúa để nâng cao thu nhập; những nữ “thủ lĩnh” của bản Nam Sơn đã rất quan tâm đến việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Là địa bàn giáp biên, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên một thời đã có tình trạng người nghiện ma túy, rượu chè quá chén gây bất an cho làng bản. Từ khi 8 tổ tự quản và Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia” được thành lập và đi vào hoạt động, thì tình hình đã có những chuyển biến đáng mừng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Đặng Văn Thân, xã Môn Sơn hiện có 426 đảng viên, trong đó có 307 đảng viên là người dân tộc thiểu số, số đảng viên nữ là 203 người, trong đó đảng viên là nữ dân tộc thiểu số là 159 chị.

“Dù xã Môn Sơn chúng tôi chưa về đích nông thôn mới, hiện mới chỉ có 5/14 bản được công nhận là bản nông thôn mới, số hộ nghèo ở xã vẫn còn 601 hộ, tuy nhiên, phụ nữ đang là lực lượng chính nắm giữ các vị trí chủ chốt ở thôn, bản, đã phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Các thôn, bản đang từng ngày đua nhau vươn lên. Các “thủ lĩnh” thôn, bản là nữ đều có trình độ đồng đều, được người dân tin tưởng, giúp chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ được chính quyền xã giao cho, an ninh biên giới được giữ vững, đời sống kinh tế ngày càng được nâng lên. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ở năng lực và sự sáng tạo của các nữ “thủ lĩnh” thôn, bản này” – ông Đặng Văn Thân chia sẻ./.

Bài và ảnh: Cẩm Tú - Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực