Nông dân TP Hồ Chí Minh tích cực tuyên truyền bảo vệ an ninh trật tự

Thứ hai, 05/08/2024 16:33
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Ban Thường vụ Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và người dân trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại địa phương với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú.
Cán bộ Hội Nông dân phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Cư trú cho công dân trên địa bàn. (Ảnh: Quang Quý) 

Trong năm 2023, các cấp Hội tổ chức 2.444 buổi tuyên truyền cho 127.431 lượt cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp cấp phát hơn 914 tài liệu tuyên truyền; 3.750 bản tin vành đai xanh, các trang thông tin điện tử, trang zalo, fanpage do Hội quản lý về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; hướng đến các đối tượng có nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.... Tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chương trình hành động “3 không: không gây bất hòa trong gia đình và xã hội; không vướng vào các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; không vi phạm pháp luật”... Đồng thời, triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tháng hành động phòng, chống ma túy  và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người; phối hợp thực hiện tuyên truyền cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Lễ, Tết; công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn Thành phố...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Thành phố và cơ sở còn phối hợp với chính quyền, lực lượng công an địa phương tổ chức 376 buổi tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho 15.813 hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; thông tin cảnh giác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phát huy hoạt động của 67 thành viên Câu lạc bộ thông tin viên giúp công tác thông tin, tuyên truyền ngày càng hiệu quả, kịp thời với nội dung đa dạng, phong phú và phát huy vai trò hội viên nòng cốt tuyên truyền, giới thiệu, chia sẻ những thông tin, bài viết chính thống góp phần đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, lan tỏa thông tin tích cực theo phương châm “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, mỗi tổ chức đoàn thể ở cơ sở là một địa chỉ thông tin tích cực, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là một tấm gương sáng trên internet, mạng xã hội”. 100% cán bộ Hội các cấp, lực lượng chính trị nòng cốt sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu huy động lực lượng.

Hàng tuần, Thường trực cơ sở Hội có định hướng công tác nắm bắt dư luận xã hội cho Hội Nông dân cơ sở về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội …; nhất là những “điểm nóng” dư luận, những khó khăn, bức xúc của hội viên, nông dân... qua đó nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của bà con nông dân, để phối hợp kịp thời với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng đề xuất phương án giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

Đáng chú ý, trong năm 2023, các cơ sở Hội đã vận động thành lập mới được 58 mô hình Nông dân xung kích phòng chống tệ nạn xã hội, tổ tự quản về an ninh trật tự, nâng tổng số mô hình của hội viên nông dân Thành phố lên 220 mô hình tham gia giữ gìn an ninh trật tự, ngăn ngừa được 48 vụ vi phạm pháp luật tại địa phương. Cụ thể: mô hình “câu lạc bộ nông dân nuôi dạy con tốt”; mô hình tự quản “quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư”; mô hình “Tuyến đường Xanh - Sạch - Sáng - Đẹp” tại huyện Cần Giờ; mô hình “Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật”; mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự”… Hội viên nông dân đã tích cực cung cấp thông tin cho lực lượng Công an, qua đó giúp lực lượng Công an khám phá các vụ án, bắt và xử lý nhiều đối tượng vi phạm...

Đồng thời các cơ sở Hội còn phối hợp thành lập, củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình, hoạt động, góp phần tích cực trong tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa phương. Phối hợp thực hiện hiệu quả giữa Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP và Công an TP gắn với lồng ghép thực hiện mục tiêu “3 giảm”, tích cực tuyên tuyền và vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, góp phần làm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội.

Cán bộ hội viên nông dân luôn giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, con em hội viên nông dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương càng được phát huy; công tác phối hợp với các ngành liên quan luôn được quan tâm chặt chẽ và phát huy hiệu quả. Thông qua việc triển khai thực hiện mô hình “Nông dân xung kích phòng chống tệ nạn xã hội”, nhận thức của hội viên nông dân về phòng, chống tội phạm từng bước được nâng lên, góp phần phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương. Vai trò của lực lượng cán bộ, hội viên tiếp tục được khẳng định rõ hơn trong việc chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Thời gian qua, khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét về đời sống kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nhanh, dân nhập cư đến sinh sống, làm việc và cư ngụ tại một số huyện ngoại thành ngày càng tăng, một mặt giúp cho sự phát triển chung của địa phương, nhưng mặt khác làm phát sinh nhiều vấn đề về tình hình an ninh trật tự. Ở các địa bàn vùng ven thành phố, còn tiềm ẩn tội phạm ẩn náu trong khu dân cư, khu nhà trọ, các tệ nạn xã hội có giảm nhưng chưa triệt để. Vì vậy, để kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, cần có sự chung tay góp sức, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể, chính quyền, công an và người dân. Nhất là phải phát huy vai trò của nông dân vì đây là lực lượng lao động chiếm đa số ở khu vực nông thôn. Qua đó, tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình nông dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương, chủ yếu là tham gia tố giác, truy bắt tội phạm, quản lý giáo dục các đối tượng, giúp đỡ người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Cùng với đó là tuyên truyền, tổ chức các hoạt động đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội bằng các giải pháp phù hợp với tình hình mới; vận động hội viên nông dân tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chương trình hành động “3 không”. Phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương thực hiện Tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục, nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Giới thiệu và nhân rộng các gương tập thể, cá nhân có nhiều thành tích nổi bật và những mô hình, cách làm hay trong tham gia bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực