Phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Thứ năm, 04/04/2024 19:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hợp nhất các quy định hiện hành tại các văn bản pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hợp hiến, sự thống nhất đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan là yêu cầu cấp bách và đảm bảo thực tiễn phát triển của đất nước.

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn hiện nay được quy định chủ yếu tại 2 luật (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014); đồng thời trong hệ thống pháp luật có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đất đai năm 2024, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị 

Các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn hiện được quy định nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật và tản mạn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn. Hợp nhất các quy định hiện hành tại các văn bản pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hợp hiến, sự thống nhất đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan là yêu cầu cấp bách và đảm bảo thực tiễn phát triển của đất nước.

Đây cũng là yêu cầu đặt ra để kịp thời thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh từng vùng đảm bảo gắn kết đô thị và nông thôn phát triển đảm bảo đúng định định hướng, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý và góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, MTTQ Việt Nam đã đưa nội dung này vào kế hoạch phản biện xã hội năm 2024. Trước khi tổ chức phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị để xác định những nội dung cần phản biện xã hội; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai… chuẩn bị các nội dung nghiên cứu để tham gia đề xuất các nội dung phản biện.

TS. Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Luật Xây Dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó cần lưu ý lồng ghép các quy định của Luật Đất đai 2024 về nội dung "Căn cứ lập quy hoạch hoạch đô thị và nông thôn" quy định tại Điều 16. Khoản 1 của Điều này cần chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn là "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt".

Đề cập tới nội dung “Tái thiết đô thị”, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, nội dung này nên được hiểu như thế nào, quy định trong Luật Quy hoạch hay Luật Xây dựng cần được làm rõ. Bên cạnh đó, dù dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, nhưng theo ông Ngô Sách Thực rất cần thiết quy định không gian chiều cao. Ở nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện lý thuyết “không gian sinh lời”. Thực tiễn, nhiều khu đô thị ở nước ta phải khống chế chiều cao của các công trình. Nhiều khu dân cư mật độ nhà cao tầng rất dày. Nếu không có quy định rất khó xử lý vi phạm. Việc lấy ý kiến cộng đồng nên quy định rõ trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh. 

TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến tại Hội nghị 

Đồng quan điểm, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng cần có các quy định về tổ chức lấy ý kiến theo từng cấp quy hoạch phù hợp với tính chất, tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng. Bên cạnh đó cần có quy định về số lượng chuyên gia, tiêu chuẩn chuyên gia và quy định về trách nhiệm, quyền lợi của chuyên gia trong việc tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch. 

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề nghị, Ban soạn thảo dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn phải bổ sung quy định một điều về vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn. Nêu thực tế, việc thực hiện quy hoạch thường xảy ra những bất cập trong thi hành, chấp hành, xảy ra tranh chấp có một phần do luật không quy định về vai trò của nhân dân và MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng quy hoạch ở đô thị và nông thôn, ông Thường đề xuất trong dự thảo Luật quy định cụ thể MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có trách nhiệm tham gia xây dựng, góp ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 61 điều; dự kiến tập trung giải quyết một số vấn đề chính như: thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; Quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; Bổ sung quy định rõ về nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; Bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc; Bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn… 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực