Phát hiện có vitamin E trong thuốc lá điện tử ở Việt Nam

Thứ hai, 26/12/2022 23:36
(ĐCSVN) - Đã phát hiện thấy vitamin E trong thuốc lá điện tử lưu hành ở Việt Nam. Do đó, nguy cơ Việt Nam cũng sẽ có các ca tử vong do hút thuốc lá điện tử. Ngoài ra, vitamin E chỉ là 1 chất, còn lại có hàng ngàn chất khác đang được cho vào thuốc lá điện tử mà hiện chúng ta chưa thể đong đếm được tác hại của các chất này khi bị đốt cháy đối với cơ thể con người.

Thông tin trên được TS,BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều ngày 26/12, tại Hà Nội.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá diễn ra chiều 26/12. Ảnh: ĐT

Độc hại khó lường ở thuốc lá điện tử

So sánh về độc hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người, TS,BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như thuốc lá truyền thống (thuốc lá quấn từ lá cây thuốc lá) với các chất độc hại đến từ lá cây bị đốt cháy là "cố định" thì các chất độc hại ở thuốc lá điện tử hiện nay chưa thể đong đếm.

TS. Nguyên phân tích, thuốc lá điện tử là các thành phần hóa học tổng hợp. Hiện nay, nhà sản xuất để thu hút người dùng, đánh vào thị hiếu của giới trẻ nên đã cho hàng chục nghìn loại hương liệu, hóa chất khác nhau để tại mùi, tạo khói, tại màu, tăng độ phê…

Các chất này khi đốt cháy đều có nguy cơ gây ra chất độc hại và làm tổn thương các cơ quan nội tạng mà trước hết là phổi. Thậm chí những thứ như vitamin khi cho vào thuốc lá điện tử cũng gây ra chất độc.

TS. Nguyên dẫn chứng, trước đây ở Mỹ đã ghi nhận nhiều ca tử vong bất thường với những tổn thương phổi nghiêm trọng. Sau đó người ta tìm ra nguyên nhân là vitamin E có trong tinh dầu thuốc lá điện tử mà các bệnh nhân này hút khi bị đốt cháy đã gây ra độc tố làm tổn thương phổi.

Theo TS,BS. Nguyễn Trung Nguyên, hiện đã phát hiện có vitamin E trong thuốc là điện tử ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy vitamin E khi bị đốt cháy sẽ rất độc hại. Điều này cho thấy, có nguy cơ người dùng thuốc lá điện tử bị tổn thương phổi, thậm chí tử vong chỉ riêng do tổn thương phổi. Xa hơn nữa, Việt Nam cũng có thể có nguy cơ tái diễn một đợt bùng phát nhiều người bị tổn thương phổi và tử vong tương tự như ở Mỹ. Các thành phần phụ gia khác trong thuốc lá điện tử cũng rất phức tạp, thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, khi đốt nóng sinh ra các chất khác với tình trạng nhiễm độc và bệnh tật khác nhau.

Được biết, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đã kiểm tra dịch phế quản phế nang, chất dịch lỏng lấy từ niêm mạc phổi, của 29 bệnh nhân bị tổn thương phổi do thuốc lá điện tử (hoặc còn gọi là vaping hoặc EVALI) từ 10 tiểu bang. Kết quả cho thấy, họ đã phát hiện thấy chất vitamin E acetate trong dịch phổi của 29 bệnh nhân hút thuốc lá điện tử bị tử vong này. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong quá trình điều tra nguyên nhân gây ra bệnh phổi của hơn 2.000 trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử thời gian qua.

Từ thực tế điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyên đề xuất, khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Thuốc lá điện tử là môi trường cho các ma túy mới tồn tại. Hàng trăm ma túy tổng hợp mới dẫn đến hàng trăm bệnh/ngộ độc mới rất khác nhau. Điều này đang gây thêm gánh nặng về y tế, an ninh, xã hội…

Tỷ lệ học sinh đang sử dụng thuốc lá điện tử là 3,35%

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều con số đáng lo ngại về tác hại của thuốc lá, đặc biệt với giới trẻ. Trong báo cáo về kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin: Tỷ lệ học sinh hút thuốc lá năm 2021-2022 (2,9%) đã giảm so với năm 2014 (4,0%). Tỷ lệ học sinh bắt đầu hút thuốc từ 13 tuổi trở xuống còn cao (xấp xỉ 80%). Tỷ lệ học sinh đang sử dụng thuốc lá điện tử 3,35% (4,3% ở nam và 2,8% ở nữ), đáng chú ý là tỷ lệ học sinh đã từng thử thuốc lá điện tử 7,8% (9,3% ở nam và 6,5% ở nữ).

Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận thông điệp và cảnh báo sức khoẻ về tác hại thuốc lá lại giảm hơn so với năm 2014. Đây là một trong những lý do khiến tình trạng hút thuốc trong học đường ngày càng đáng lo ngại hơn.

Theo đó, bà Hương khuyến nghị, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và các chỉ số liên quan tới hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Quan tâm và xây dựng chiến lược phòng chống tác hại của hút thuốc lá điện tử. Tăng cường biện pháp thực thi hiệu quả, đặc biệt tập trung ở khu vực ngoài trời khuôn viên nhà trường và nơi công cộng.

Đặc biệt, cần tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của các sản phẩm thuốc lá; cũng như cảnh báo, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tăng cường hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, truyền thông cho học sinh biết đến chương trình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và đẩy mạnh trong các trường học.

Đồng chia sẻ mối lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá hiện nay, PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viên Bạch Mai đưa ra những con số đáng suy nghĩ: Số liệu thống kê (2015-2019), tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử tăng 13 lần; đáng lo ngại hút thuốc thế hệ mới làm thay đổi tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên nhỏ hơn 18 tuổi. Các loại thuốc lá điện tử thế hệ mới đã và đang tạo ra một nhóm nghiện thuốc lá mới, nghiện về nhận thức, nghiện về hành vi, nghiện về thực thể với một tốc độ nhanh hơn, dễ dàng hơn và nặng nề hơn.

Vì vậy, bà Phương nhấn mạnh, hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết, đặc biệt là việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet, do khả năng tiếp cận cao. Các đơn vị truyền thông tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá, phòng, chống tác hại của thuốc lá… thúc đẩy mối quan tâm của cộng đồng. Cần có những biện pháp để ngăn chặn, cũng như làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá thế hệ mới nói chung và thuốc lá điện tử thế hệ mới.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực