Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc: Hỗ trợ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn cải thiện đời sống

Thứ năm, 13/11/2014 14:56

Thiếu đất ở, đất sản xuất và thiếu kiến thức đã khiến nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa thể vươn lên thoát nghèo. Để hỗ trợ bà con có điều kiện cải thiện đời sống, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đồng bào
 dân tộc thiểu số đã có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên
thoát nghèo.- Xưởng chế biến tinh bột sắn của một hộ người Dao
 ở Yên Lương, huyện Thanh Sơn. Ảnh: baophutho.vn 


Ông Hà Đức Quảng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm qua nhiều chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, định canh, định cư, xóa nhà tạm, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm... được tỉnh triển khai kịp thời. Tuy nhiên do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, hầu hết các thôn, bản vùng cao còn thiếu đất sản xuất, đất ở và các công trình nước sinh hoạt tập trung, trong khi đó nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế nên vẫn còn nhiều hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện còn 1.399 hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; 2.006 hộ cần được hỗ trợ đất ở; 1.434 hộ và 1.806 lao động cần hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; 1.434 hộ cần được hỗ trợ vốn mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp; 2.380 hộ cần nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt.

Theo lãnh đạo nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh: Hiện nay nhiều địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, hầu hết đất có thể quy hoạch làm đất ở, đất sản xuất đều đã "có chủ". Nếu thu hồi đất để cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn thì phải có kinh phí đền bù, trong khi đó kinh phí của các địa phương lại rất hạn hẹp, việc khai hoang đất để hỗ trợ cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Một số nơi không còn quỹ đất; một số vùng đất xấu, chủ yếu là đất dốc, triền núi, không chủ động nguồn nước, nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Để hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, UBND tỉnh Phú Thọ vừa đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2015, tỉnh huy động 242 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, trong đó có 168 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ, 45 tỷ đồng vốn vay tín dụng, 29 tỷ đồng ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí này sẽ dành chủ yếu cho việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, xây dựng công trình nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo…

Đối với những địa phương còn quỹ đất, tỉnh cho phép thu hồi theo quy hoạch để tạo quỹ đất giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; hoặc thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, tự nguyện trả lại đất giao cho đồng bào nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho mỗi hộ vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất bình quân 30 triệu đồng/hộ, thời hạn vay 5 năm với mức lãi suất 0,1% tháng (tương đương 1,2%/năm). Đối với những địa phương không còn khả năng tạo quỹ đất hỗ trợ đồng bào nghèo, tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ và trồng rừng. Riêng đối với đất ở, tỉnh sẽ giao cho UBND huyện, xã bằng mọi cách tạo quỹ đất giao cho các hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn chưa có đất ở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ bình quân 1,3 triệu đồng/hộ để xây dựng bể chứa, bồn chứa, đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt; đồng thời đầu tư xây dựng mới 85 công trình, bảo dưỡng 55 công trình tại các thôn, bản phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 13.000 hộ dân tộc thiểu số và hộ vùng đặc biệt khó khăn. Phú Thọ phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, thực hiện chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỉnh đã được đầu tư 689 triệu đồng xây dựng, duy tu 10 trung tâm cụm xã và 1.419 công trình về điện, giao thông, thủy lợi, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư, chợ nông thôn… Tỉnh cũng đã hỗ trợ đồng bào xây dựng nhiều mô hình về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến... với tổng kinh phí hơn 87.150 triệu đồng.

Từ năm 2009 đến 2014, toàn tỉnh đã mở 281 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho gần 12 ngàn lượt cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng, góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các xã, thôn, bản, từ đó phổ biến đến người dân. Ngoài nguồn vốn của Chính phủ, vốn từ các bộ, ngành Trung ương, tỉnh cũng tranh thủ các nguồn vốn viện trợ nước ngoài để đầu tư 7 công trình nước sạch cho các huyện miền núi. Các công trình được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân các dân tộc thiểu số vùng núi, đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, hiện nay số hộ nghèo tại Phú Thọ giảm còn 12,52% (giảm bình quân 5%/năm), nhiều hộ dân tộc thiểu số đã có tích lũy; chấm dứt được tình trạng di cư tự do, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực