Sắc xuân mới trên “đất nghề" Phú Xuyên

Thứ bảy, 25/01/2020 22:00
(ĐCSVN) - Trước thềm Xuân Canh Tý 2020, người dân ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội) phấn khởi bởi việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên. Đó cũng chính là động lực để bà con cố gắng giữ gìn và phát triển làng nghề.
leftcenterrightdel

Một nghệ nhân tại làng nghề khảm trai truyền thống Bối Khê đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: PA

Thời điểm trước Tết, về với các làng nghề truyền thống ở Phú Xuyên, ngay từ đầu làng, chúng tôi đã cảm nhận được không khí hối hả, tất bật qua tiếng đục, tiếng chát đặc trưng của nghề mộc; tiếng máy phay, máy bào, máy mài của làng nghề cơ khí; tiếng các bà, các chị cười, nói rộn rã trong khi tay vẫn thoăn thoắt hoàn chỉnh các công đoạn của nghề da giày hay đang xuất bán những bộ đồ comple đủ loại. Có thể nói, Phú Xuyên là cái nôi của nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời. Tính chung trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 156/156 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển; 39 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp Thành phố; trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.

Có mặt tại làng nghề khảm trai truyền thống Bối Khê ở xã Chuyên Mỹ, chúng tôi thực sự bị ấn tượng bởi những sản phẩm tinh tế, những nghệ nhân tỉ mỉ hoàn thiện từng chi tiết sản phẩm trước khi đưa đến cho khách hàng. Làng Bối Khê là một làng nghề khảm trai mỹ nghệ truyền thống có từ lâu đời. Nghề truyền thống ở Bối Khê đã có từ rất xa xưa. Nhiều thế hệ thợ tài hoa của làng đã góp phần tạo ra những sản phẩm mộc độc đáo như những tác phẩm nghệ thuật. Đó là những chiếc sập gụ, tủ chè, bàn, ghế... Nhiều loại sản phẩm đặc sắc, quý giá xuất phát từ đôi tay người thợ Bối Khê đã được cung tiến vua, dùng trong cung đình và các gia đình quyền quý. Những năm gần đây, phần lớn các hộ dân sản xuất theo nhu cầu trong nước như bộ đũa sơn mỹ thuật bày trên bàn thờ hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng xuất khẩu, như khung gương, bình hoa, đôn đặt chậu hoa khảm trai, khảm vỏ trứng, có cốt bằng bìa cứng ép với nhiều kiểu dáng mỹ thuật, độc đáo...Đến đây mới thấy, nghề truyền thống đã được gìn giữ một cách khéo léo và nguyên vẹn giữa buổi kinh tế thị trường.

Cùng với sự khởi sắc của nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn mới ở Bối Khê nói riêng, xã Chuyên Mỹ nói chung đã trở lên khang trang, hiện đại hơn trước. Những con đường bê tông, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, những cột đèn cao áp, những panô, biển hiệu hai bên đường tạo nên dãy “phố làng” hiện đại. Và nhất là tiếng đục, tiếng bào lách cách, râm ran của các xưởng nghề vang lên rộn rã, vui tai... Hiện nay, Chuyên Mỹ là một trong những địa phương có làng nghề khảm trai truyền thống phát triển nhất miền Bắc. Tính chung toàn xã Chuyên Mỹ đang có hàng trăm hộ gia đình làm nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp và nhiều hộ gia đình sản xuất vệ tinh quanh vùng.

Tìm hiểu được biết, Bối Khê chỉ là một trong số 156 làng, cụm dân cư làng nghề ở huyện Phú Xuyên. Từ trước Tết nhiều tháng, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã hối hả chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Làng nghề mộc truyền thống ở Đại Nghiệp, xã Tân Dân tất bật với các sản phẩm bàn ghế (đóng mới, tân trang), vật dụng thờ tự (hoành phi, câu đối, tượng...). Làng nghề may comple ở xã Vân Từ hối hả xuất bán sản phẩm đi khắp các tỉnh trong cả nước. Làng nghề cỏ tế ở xã Phú Túc hoàn chỉnh những lô hàng mây, trẻ đan để xuất đi Châu Âu, Châu Mỹ... Những năm gần đây, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn của Trung ương, của TP. Hà Nội, các làng nghề truyền thống ở Phú Xuyên đã có bước phát triển vượt bậc.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo TP. Hà Nội tham quan gian hàng nghề may comple tại xã Vân từ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: PA

Song song với đó, việc phát triển làng nghề ở Phú Xuyên còn được gắn với du lịch làng nghề truyền thống. Theo đó, việc phát triển theo chuỗi du lịch của huyện từ làng nghề giày da Phú Yên - khảm trai sơn mài xã Chuyên Mỹ - kẹo Cổ Hoàng (xã Hoàng Long) - guột cỏ tế xã Phú Túc - tò he Xuân La (xã Phượng Dực) đã dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Chị Lê Thị Trúc, du khách đến từ TP. Nha Trang chia sẻ: “Lần đầu tiên đến với các làng nghề truyền thống ở Phú Xuyên, tôi đã được hiểu và thêm cảm phục nét tài hoa của những người nghệ nhân nơi đây. Từ những nguyên liệu bình dị, qua bàn tay của các nghệ nhân đã tạo thành những sản phẩm tuyệt mỹ để phục vụ mọi người. Nhất định tôi sẽ cùng gia đình trở lại những làng nghề truyền thống độc đáo này”.

Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Phú Xuyên đang có 22.100 hộ làm nghề, chiếm 40% số hộ chung của huyện với gần 28.500 lao động tham gia nghề. Trở thành một huyện của Hà Nội sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, những năm qua, nhiều làng nghề của Phú Xuyên đã và đang tiếp tục có những bước phát triển tốt, chuyển dịch dần theo hướng cụm, vùng làng nghề; xây dựng làng nghề gắn với du lịch; chú trọng đào tạo nghề; xây dựng trung tâm thương mại và hình thành các doanh nghiệp thương mại tại các làng nghề.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Minh Khánh ở làng nghề khảm trai truyền thống thôn Bối Khê, xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho biết, tâm lý chung của nhiều người đó là dịp cận Tết thường mua sắm các đồ vật dụng trong nhà để đón năm mới. Do đó, những ngày trước Tết, người thợ trong làng cũng hối hả làm nghề từ sáng sớm cho tới tối muộn để kịp giao hàng đi khắp nơi. Sự bận rộn của công việc hòa cùng niềm vui bán đắt hàng, được giá khiến người làng nghề phấn khởi hơn, quên đi mệt nhọc. Tính ra, trong 1 tháng trước Tết, hàng bán chạy hơn đến gấp đôi, gấp ba bình thường, vất vả, tất bật nhưng mọi người rất mừng vì sản phẩm làng nghề đã chinh phục được khách hàng. “Phát triển nghề của ông cha, có việc làm, túi tiền thêm rủng rỉnh, niềm vui đón Tết càng nhân lên”, anh Khánh cho biết thêm.

Theo đồng chí Trương Đại Dương, Chánh Văn phóng UBND - HĐND huyện Phú Xuyên, năm 2019 vừa qua đã đánh dấu bước chuyển mình của nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn toàn huyện. Sản phẩm của các làng nghề tiếp tục vươn lên, chiếm lĩnh thị trường; người làm nghề vì vậy đều phấn khởi, tin tưởng và tích cực thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên trong phát triển làng nghề gắn với du lịch, dịch vụ. Hơn trăm làng nghề truyền thống được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Phú Xuyên đã vượt qua những rào cản, khó khăn của thực tế để cùng phát triển, hội nhập với đất nước.

Một mùa Xuân mới đang về cho cây cối đua nhau đâm chồi, nảy lộc. Với mỗi làng nghề truyền thống ở huyện Phú Xuyên, công việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa tiêu thụ nhanh đang hứa hẹn về một cái Tết sung túc, đầm ấm cho người dân, tạo hy vọng về một năm mới làm ăn phát đạt, thịnh vượng và thành công. Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2019 vừa qua, tin tưởng sản xuất làng nghề truyền thống ở Phú Xuyên sẽ tiếp tục phát triển về cả quy mô sản xuất và giá trị hàng hóa, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của quê hương Phú Xuyên giàu truyền thống./.

Minh Hà (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực