Đổi đời...
Vĩnh Hải là xã ven biển nằm ở phía Đông Bắc, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Xã cách trung tâm huyện 25 km, Toàn xã có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số Raglay sinh sống là Cầu Gãy và Đá Hang. Người Raglay chiếm 9% tổng dân số của xã.
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cuộc sống của đồng bào Raglay ở hai thôn Cầu Gãy, Đá Hang từng bước được cải thiện, nâng cao. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Gãy - ông Cao Văn Đen hồi tưởng, những năm 90 của thế kỷ trước, người Raglay từng du canh du cư ở độ cao trên 400m so với mực nước biển, cách nơi ở hiện nay chừng 2km. Sống lang bạt, không cố định trên sườn Núi Chúa nên chẳng có tên thôn. Việc giao lưu với thế giới bên ngoài của người Raglay chỉ nhờ duy nhất vào cây cầu gỗ bắc qua suối Lồ Ồ. Suối Lồ Ồ bình thường hiền hòa nhưng đến mùa mưa trở nên hung dữ khác thường. Trong một trận mưa lớn, nước suối dâng cao, cầu bị gãy, thế là cái tên Cầu Gãy được đặt cho thôn đến tận bây giờ.
![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/09/09/lienhtp/cpv1992022.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Nước hợp vệ sinh đã được kéo về tận nhà cho người Raglay ở thôn Cầu Gãy. |
![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/09/09/lienhtp/cpv2992022.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Hầu hết các hộ đã có nhà xây kiên cố nhờ các chính sách hỗ trợ làm nhà ở của Nhà nước. |
Tên Cầu Gãy như một sự nhắc nhở người Raglay về quá khứ nhọc nhằn để thêm trân quý những đổi thay lớn lao của cuộc sống định cư hôm nay. Cây cầu gỗ đã được đầu tư làm lại, chấm dứt cảnh chia cắt giao thông khi mùa mưa lũ đến. Đường quanh thôn đoạn được lát sỏi, đoạn được bê tông hóa rộng 1,5m, rất sạch sẽ và thuận lợi. Khắp thôn, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà gắn biển “nhà 134”, “nhà 167”, “nhà đại đoàn kết”... để ghi dấu các chương trình, dự án hỗ trợ nhà ở mà người Raglay được thụ hưởng.
Rồi nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo về đến tận nhà, trẻ em được đến trường, người ốm được khám chữa bệnh, điều trị tại trạm y tế xã, không còn nhà nào bị đói... "Cuộc sống khác xưa quá nhiều, người Raglay đã thực sự đổi đời" - bà Cao Thị Gửi phấn chấn nói.
Ở thôn Đá Hang, theo Trưởng thôn Cao Văn Giác cho biết, người Raglay nay không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đám thanh niên đã hạn chế tụ tập rượu chè, quậy phá mà lo làm ruộng, chăn nuôi, chờ đến mùa thu hoạch cà phê thì sang các tỉnh Tây Nguyên làm thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hơn một nửa số hộ trong thôn cũng đã có nhà xây, trong đó có 35 hộ tự xây được nhà kiên cố.
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Đồng chí Nguyễn Thành Mỹ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết, hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Núi Chúa. Nơi này địa hình phức tạp, mang những nét đặc trưng của vùng đồi núi ven biển duyên hải Nam Trung bộ, phần lớn diện tích là đất rừng.
Đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021, người Raglay vẫn thuộc nhóm 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tức là thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn xã Vĩnh Hải có 126 hộ nghèo, chiếm 6,1% tổng số hộ. Tuy nhiên, ở 2 thôn dân tộc thiểu số có tới 90 hộ nghèo, với 352 khẩu, chiếm 71,4% tổng số hộ nghèo của toàn xã. Có thể thấy, phần lớn hộ nghèo của xã Vĩnh Hải là đồng bào dân tộc thiểu số Raglay sinh sống tại thôn Cầu Gãy và Đá Hang.
![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/09/09/lienhtp/cpv3992022.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Người Raglay ở thôn Cầu Gãy liên thông với bên ngoài nhờ cây cầu treo. |
"Công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào Raglay ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang còn tiếp tục gian nan vì nơi này điều kiện tự nhiên ít thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm, diện tích canh tác không nhiều, chủ yếu là đồi núi, thường khô hạn, thiếu nước vào mùa khô, mặt bằng dân trí thấp. Tiềm năng đất đai, tài nguyên thiên nhiên chưa được đầu tư khai thác hiệu quả" - đồng chí Nguyễn Thành Mỹ phân tích.
Ông Mang Hàng, người có uy tín thôn Đá Hang nói, cả thôn có 92 hộ nhưng chỉ có 7,7 ha đất sản xuất. Do chưa làm được công trình thủy lợi nên 26 hộ trong thôn có ruộng chỉ canh tác được 1 vụ theo lối dựa hoàn toàn vào “nước trời”. Thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế nên 45/92 hộ trong thôn là hộ nghèo.
Ở thôn Cầu Gãy, diện tích đất sản xuất càng hiếm hơn. "Toàn thôn chỉ có 4,5 ha có khả năng trồng lúa nước một vụ, trong khi thôn cũng có tới 92 hộ. Vậy nên 45 hộ trong thôn là hộ nghèo", ông Cao Văn Đen - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn nói.
Hy vọng
"Nguyện vọng của đồng bào Raglay là mong muốn được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, làm đường giao thông và các công trình dân sinh như cấp nước sinh hoạt, xây nhà vệ sinh, nhà tắm; làm công trình đập ngăn nước để tưới tiêu cho những diện tích ruộng bỏ hoang" - Trưởng thôn Đá Hang Cao Văn Giác thay mặt bà con kiến nghị.
Nguyện vọng chính đáng này của đồng bào Raglay xã Vĩnh Hải đang có cơ hội được giải quyết với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ 2021 - 2025.
Theo số liệu do UBND xã Vĩnh Hải cung cấp, kinh phí sự nghiệp thực hiện các chính sách dân tộc và chương trình, dự án năm 2022 trên địa bàn từ nguồn ngân sách trung ương cấp là trên 250 tỷ đồng; vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn sự nghiệp chính sách dân tộc để thực hiện việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư thôn Đá Hang; sửa chữa, bảo dưỡng trạm y tế xã, duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã được đầu tư từ giai đoạn trước; sửa chữa, nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi...
Nguồn vốn đầu tư để làm đường bê tông vận chuyển nông sản, hệ thống kênh mương từ đập dâng vào diện tích ruộng của thôn Đá Hang; nâng cấp, mở rộng và cung cấp trang thiết bị nhà văn hóa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số xã Vĩnh Hải.
Năm 2003, xã Vĩnh Hải đã xây dựng kế hoạch nguồn sự nghiệp thực hiện chính sách dân tộc là 8,5 tỷ đồng; vốn đầu tư 1 tỷ đồng.
"Có thể nói, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, là nguồn lực quan trọng để Đảng bộ xã thực hiện mục tiêu đã đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung thực hiện tốt chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, đồng thời hướng dẫn cho bà con phát triển các mô hình kinh tế để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đồng chí Nguyễn Thành Mỹ" - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải khẳng định.
Bên cạnh đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay, do thiếu đất sản xuất lương thực nên đồng bào Raglay đã chủ động chuyển đổi sinh kế sang chăn nuôi bò, dê. Ở thôn Đá Ngang, 100% số hộ chăn nuôi theo phương thức dê, bò cái được giữ lại để tiếp tục sinh sản, con đực thì đem bán. Cũng mừng cho bà con là bò, dê khá được giá. Một con bò nặng hơn 3 tạ có giá khoảng 20 triệu đồng; dê có trọng lượng từ 10 - 15 kg/con có giá 130.000 đồng/kg. Hộ nào chăn nuôi khá một năm có thể bán từ 2 - 3 con bò hoặc 5 - 6 con dê đực để trang trải nhu cầu cuộc sống.
Thôn Cầu Gãy nằm trên sườn Núi Chúa, cách Vịnh Vĩnh Hy chừng 1 km nên có điều kiện phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, thôn Cầu Gãy đã trở thành địa chỉ dã ngoại cuối tuần được yêu thích của người dân trong vùng. Từ điểm cao của thôn, du khách có thể “thu gọn” Vịnh Vĩnh Hy trong tầm mắt, dạo chơi thư giãn trên những con đường lát sỏi xung quanh thôn, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người Raglay hoặc cắm trại, tụ tập thư giãn cùng người thân, bạn bè bên con suối Lồ Ồ...
Du lịch đã đem lại những cơ hội sinh kế mới ngoài chăn nuôi và trồng trọt cho đồng bào Raglay thôn Cầu Gãy. Ví như anh Cao Văn Hiệp - con trai Trưởng thôn Cao Văn Đen đã trở thành hướng dẫn viên du lịch. Khoảng chục thanh niên khác tham gia tổ bảo vệ rừng, được hưởng phụ cấp do Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa chi trả. Một số thanh niên khác làm công việc khuân vác thuê cho du khách để kiếm thêm thu nhập...
Cuộc sống của những người Raglay trong vùng lõi Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện nay dù vẫn còn gặp khó khăn nhưng đã sáng lên niềm hy vọng từ những hướng sinh kế mới đang mở ra cho người dân nơi đây./.