Sức sống mới ở Giao An

Thứ bảy, 13/08/2022 13:23
(ĐCSVN) - Về Giao An mùa này thấy xanh ngát một màu, những dải đất cằn cỗi ngày nào đã được phủ xanh bằng những vườn cây ăn quả, những rừng keo, rừng luồng vầu bạt ngàn; cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân được cải thiện. Ít ai biết đây từng là một xã khó khăn của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.
 Chương trình nông thôn mới giúp thay đổi diện mạo xã Giao An

Phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có

Khoảng chục năm về trước, khi nhắc đến Giao An, người ta thường nghĩ ngay đến vùng quê xa xôi nhiều khó khăn của Thanh Hóa, với đất đai khô cằn, kinh tế phát triển hạn chế. Thế nhưng đến nay, câu chuyện đó chỉ còn trong quá khứ...

Được sự quan tâm của Nhà nước, cùng sự quyết tâm vượt khó, phát huy các nguồn lực tại chỗ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong việc tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của bà con Giao An đã dần đổi thay, bước sang trang mới.

Sự khởi sắc thể hiện rõ nhất trong 5 năm trở lại đây, khi địa phương triển khai chuyển đổi thành công các mô hình sản xuất truyền thống sang hướng hàng hóa áp dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế. Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ đã kiến tạo cho địa phương cơ sở hạ tầng bài bản, đáp ứng tốt việc đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, NTM đã giúp địa phương tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả.

Nhìn ra con đường bê tông khang trang trải dài tận cuối xóm cùng những ngôi nhà xây mới kiến trúc hiện đại, bà Phạm Thị Thơm, ở thôn Chiềng Nang, xã Giao An cho biết: “Quê tôi đang đổi thay từng ngày, mỗi sáng thức dậy ngắm những con đường đẹp, những cánh đồng trù phú, những vạt rừng xanh mướt cây trái… mà tôi cứ ngỡ như mình đang mơ. Người dân chúng tôi cảm ơn Nhà nước, Chính phủ thật nhiều vì đã quan tâm đưa về chương trình NTM, “thổi” về quê hương tôi một luồng gió mới ngập tràn ấm no và niềm vui!”

Ngày càng có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên ở Giao An.

Là địa phương có nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ đạo, Giao An đã tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra sự chuyển dịch tích cực, nhiều loại giống cây trồng, kỹ thuật canh tác tiên tiến đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất… Trong đó, diện tích lúa 158ha, năng xuất bình quân đạt 56tạ/ha; cây ngô 56ha, năng xuất ước đạt 40tạ/ha; diện tích cây rau màu các loại gần 50ha, cây lạc 9,6ha, mía 25ha; năng suất bình quân đạt 60tạ/ha…

Đẩy mạnh phát huy tiềm năng, địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển đổi mô hình lúa - cá, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, kết hợp chuyển đổi từ chỗ gieo cấy kém hiệu quả sang đào ao thả cá. Đến nay, toàn xã có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 10ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 30 tấn.

Phát huy lợi thế đất đai rộng, Giao An đã phát triển được nghề chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gia cầm... đem lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, trên địa bàn hiện đang duy trì và phát triển 14 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao.

Để đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, địa phương đã tích cực phối hợp với phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông huyện tổ chức mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Phát huy tiềm năng diện tích rừng tự nhiên trên 4.000ha, Giao An đã đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nhằm góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phụ trợ cho phát triển kinh tế. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc của toàn xã đã đạt trên 90%.

Song song với đó, chính quyền địa phương còn tích cực vận động người dân ở các thôn bản tham gia trồng rừng, tập huấn phòng cháy chữa cháy, thực hiện các quy ước bảo vệ rừng... nên nhận thức người dân về tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế cũng như môi trường sinh thái đã có đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhờ kết hợp hiệu quả các lĩnh vực sản xuất thế mạnh sẵn có, kinh tế - xã hội của Giao An đã có bước phát triển vững chắc, đời sống của nhân dân dân không ngừng được nâng cao; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 38,3 triệu đồng/năm.

Điều đáng trân trọng hơn, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương không chỉ làm giàu cho cá nhân mình, mà họ luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ bà con các thôn bản cùng thoát nghèo, làm giàu.

Đường về Giao An hôm nay. 

Nông thôn mới – sức sống mới

Mục tiêu chính của chương trình NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, do vậy một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và bà con xã Giao An đã triển khai là tập trung tổng lực xây dựng NTM ưu tiên hạ tầng, lồng ghép với phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, công nghệ cao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Nhờ định hướng đúng đắn, đến nay 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông đạt chuẩn; đường trục thôn, đường ngõ xóm cứng hóa. Các tuyến đường giao thông thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu giao thông phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh quanh năm. Công tác thủy lợi cũng được quan tâm, xã tích cực đầu tư kiên cố hóa 100% kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ hoạt động giao thương phát triển, kinh tế khởi sắc, diện mạo các làng quê thay đổi rõ rệt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Giao An khấn khởi cho biết: Sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; chương trình NTM đã tạo ra sức sống mới, khơi dậy động lực vươn lên thay đổi cuộc sống của người dân…

Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm của xã được đầu tư bài bản; khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp và mở rộng ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn với cơ cấu kinh tế hợp lý; gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm bớt lao động nông nghiệp, tăng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...

Trong xây dựng NTM nâng cao, các tiêu chí văn hóa, xã hội, y tế, phúc lợi xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân nên được địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả; tỷ lệ người dân tham gia BHYT nơi đây đã đạt trên 85%; lĩnh vực giáo dục đã có những bước tiến vượt bậc.

“Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân địa phương tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu toàn diện hơn nữa, giúp Giao An ngày càng phát triển bền vững trên con đường đổi mới; tiếp tục củng cố niềm tin trong nhân dân vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với khu vực nông thôn, miền núi khó khăn” – Chủ tịch Lê Văn Tiến nhấn mạnh./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực