Tăng chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi

Thứ hai, 16/08/2021 18:37
(ĐCSVN) – Từ ngày 1/10, xe kiểm định lần đầu sẽ có chu kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với hiện nay), các chu kỳ tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần (tăng 6 tháng).
leftcenterrightdel
 Đăng kiểm viên thực hiện giám định xe

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021. Đây là Thông tư thay thế cho Thông tư số 70 của Bộ GTVT áp dụng hơn 5 năm qua.

Theo Bộ GTVT, Thông tư 16 về cơ bản kế thừa các nội dung đã thực hiện ổn định của Thông tư số 70 và có cập nhật, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt là nội dung về quy trình kiểm định theo khuyến nghị của Tổ chức Đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA).

Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý, kể từ ngày có hiệu lực thi hành, những xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi như xe taxi, xe công nghệ… sẽ được tăng thời gian kiểm định lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo (Theo quy định hiện hành tại Thông tư 70 lần lượt là 18 và 6 tháng).

Cụ thể, xe kiểm định lần đầu sẽ có chu kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với hiện nay), các chu kỳ tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần (tăng 6 tháng). Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với xe có thời hạn sản xuất đến 5 năm. Sau thời hạn 5 năm và đối với xe đã sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng/lần như hiện nay.

Chu kỳ đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 2 năm, tính từ năm sản xuất.

Cùng với đó, Thông tư 16 còn quy định về mẫu tem kiểm định mới để phân biệt giữa ô tô kinh doanh vận tải và ô tô không kinh doanh vận tải.

Việc điều chỉnh tăng chu kỳ kiểm định của ô tô đến 9 chỗ tại Thông tư 16 là giải pháp tháo gỡ khó khăn của Bộ GTVT đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho hoạt động vận tải nói chung và các đơn vị nói riêng.

Điều chỉnh này không những giúp giảm chi phí đăng kiểm cho tổ chức và cá nhân mà còn giảm tần suất đưa phương tiện đến thực hiện kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh cho cả người điều khiển phương tiện và đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm.

Thông tư số 16 của Bộ GTVT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực