Tết Chol Chnăm Thmây bừng sáng từ lưới điện quốc gia

Chủ nhật, 08/04/2012 20:41

Chỉ còn vài ngày nữa là ngày Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ diễn ra. Trên khắp phum sóc và trong từng ngôi nhà của đồng bào Khmer đang hồ hởi chuẩn bị đón chào một năm mới. 
 

Với đồng bào Khmer, Tết Chol Chnăm Thmây còn mang ý nghĩa là sự đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi mới (tương tự Tết Nguyên đán của người Việt) với hy vọng năm mới sẽ mang lại vạn sự tốt lành, bình an. Ngoài ra, Tết Chol Chnăm Thmây còn có ý nghĩa đánh dấu sự chấm dứt của những tháng mùa nắng, bước vào những tháng mùa mưa với nguồn nước dồi dào để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. 

Trở lại các xã vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mọi người sẽ nhận rõ sự thay da đổi thịt nhanh chóng của những vùng đất này. Ánh điện sáng vào đêm, những ngôi trường khang trang, những con đường bê tông thằng tắp… đã khẳng định sự đúng đắn trong các quyết sách phát triển vùng đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước. Đáng mừng hơn khi chính cửa miệng của đồng bào lúc nào cũng nói: “Nhờ Đảng, Nhà nước mà chúng tôi mới được cuộc sống hạnh phúc như thế này”. Đặc biệt, từ khi “Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện sử dụng chủ yếu là đồng bào Khmer” được triển khai tại tỉnh Sóc Trăng đã mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn Sóc Trăng. Những ngôi nhà vùng sâu với đầy đủ phương tiện nghe nhìn đã nói lên tất cả.

Vui mừng về sự đổi thay của phum sóc từ ngày có điện, chị Thạch Thị Hul, ngụ tại xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, Tết cổ truyền năm nay sẽ thêm phần vui tươi phấn khởi khi đời sống của hầu hết bà con trong phum sóc phát triển hơn năm trước. Điện làm cho tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, chấm dứt cảnh “đèn nhà ai, nhà nấy sáng”. Còn chị Liêu Thị Thương, ngụ xã Kế Thành (huyện Kế Sách) nói: “Hồi đó tới giờ cả nhà tôi luôn ao ước có điện. Đến nay, điều ước đó đã thành sự thật. Đêm đầu tiên có điện, cả nhà tôi không ai ngủ được vì vui mừng”. Nhờ có điện mà chất lượng cuộc sống của gần 500 hộ dân Khmer ở ấp Béc Tôn, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) cũng được nâng cao, số hộ dân có tivi ngày càng nhiều, rất thuận tiện cho việc cập nhật thông tin; những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào ngày thêm nhanh chóng. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện dự kiến sẽ đạt được 100% sau lễ kỷ niệm 30/4 năm nay.

Còn với gần 30 hộ Khmer nghèo ở hẻm 27 ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) thì Tết Chol Chnăm Thmây 2012 năm nay sẽ là cái Tết lớn nhất, sáng nhất và ấm cũng nhất của họ. Nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước mà diện mạo đời sống của đồng bào nơi đây thay đổi rõ rệt: từ mái nhà lá được thay bằng những ngôi nhà 167 kiên cố, từ đường đi lầy lội sình bùn mùa mưa nay đã được bê tông hóa, những bóng đèn điện đã thay chỗ chiếc đèn dầu leo lét ngày nào…Ông Thạch Nghênh, người dân của hẻm cho biết: Có đường, có nhà, nay lại có điện, tương lai và cuộc sống ngày sau của người dân nơi đây sẽ sáng lên.

Dù đã hơn 9 tháng sau ngày lễ khởi công xây dựng Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer" tại tỉnh Sóc Trăng nhưng lời phát biểu của ông Thạch Hiên, dân tộc Khmer, ngụ tại xã Viên Bình (Trần Đề) đại diện cho hàng chục ngàn hộ Khmer trên địa bàn tỉnh luôn làm chúng tôi nhớ mãi: “Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành điện, đặc biệt là của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư lưới điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân đem lại nhiều điều kiện tốt hơn trong cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của chúng tôi. Có điện rồi bà con Khmer sẽ chí thú làm ăn, phấn đấu thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng”.

Về ý nghĩa của công trình này, ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng chia sẻ: “Dự án đầu tư cung cấp điện cho các hộ chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer sẽ tạo điều kiện để địa phương thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, với các mục tiêu phát triển vững mạnh về kinh tế, ổn định vững chắc về an ninh, thúc đẩy thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân người Khmer”.

Như vậy, sau nhiều năm thực hiện, chương trình đưa điện về nông thôn ở Sóc Trăng đã làm bừng sáng những phum sóc xa xôi, cách trở. Những nơi tưởng chừng “điện, đường, trường, trạm” không thể đến được thì nay không chỉ giao thông thông suốt, mà còn có ánh điện hàng đêm, trường học khang trang, có nước sạch sử dụng đảm bảo vệ sinh…

Trên những cánh đồng lúa của các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị, Ngã Năm... màu xanh, màu vàng của cánh đồng lúa được phủ đều quanh năm. Với họ, chỗ nào có nước ngọt là chỗ đó có lúa. Đó cũng chính là nguyên nhân đưa Sóc Trăng trở thành địa phương có diện tích và sản lượng lúa nằm trong tốp đầu của cả nước, với sản lượng trung bình năm đạt trên 2 triệu tấn. Việc sản xuất lúa nhiều năm trở lại đây đã phát huy được hiệu quả nhanh chóng, người dân đã làm giàu được trên mảnh đất của mình. Việc thu hoạch lúa được cơ giới hóa ngày càng cao chứng tỏ sự giàu đẹp của phum sóc được vững bền. Khi có điện, đời sống và đồng bào Khmer sẽ bớt dần nỗi bấp bênh theo mưa nắng, nhiều vụ mùa bội thu sẽ mãi nối tiếp để không còn trông chờ vào “nắng mưa là chuyện của trời”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực