Tết Thanh minh đối với người dân Việt

Thứ ba, 02/04/2024 14:34
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Từ xa xưa, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Tết Thanh minh đã trở thành một trong những ngày lễ lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt Nam.

Ý nghĩa của Tết Thanh minh đối với người Việt Nam

Trong tâm thức người dân Việt, tiết Thanh minh, cũng như Tết Thanh minh, là một dịp trong cả năm để các con cháu tưởng nhớ đến công lao và thể hiện lòng biết ơn, làm tròn bổn phận của con cháu đối với các bậc tiền nhân, những người đi trước. Có thể coi đây như là một ngày giỗ tổ chung của tất cả các dòng họ, để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, tạo dựng của cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình. Do đó các con cháu xa quê cũng cố gắng sắp xếp thời gian để trở về tham gia cùng gia đình.

Theo thư tịch cổ, Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và từ lâu đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hằng năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân khoảng một tháng rưỡi (45 ngày). Theo nghĩa đen, thanh là trong, minh là sáng sủa. Cứ mỗi khi tiết Xuân phân kết thúc, mưa xuân dần ngớt, bầu trời trở nên sáng sủa, ấy là tiết Thanh minh đã đến…

Tiết Thanh minh chính thức vào khoảng thời gian từ ngày mùng 4, hoặc mùng 5 tháng 4 dương lịch hằng năm và kéo dài cho tới khoảng ngày 20 hoặc 21 cùng tháng. Thông thường theo quy ước, người ta lấy ngày đầu tiên của tiết Thanh minh làm ngày Thanh minh. Năm nay, ngày Thanh minh đúng vào ngày mùng 4 tháng 4 dương lịch. Bắt đầu từ ngày này, mọi người có thể tổ chức cúng lễ tỏ lòng hiếu kính tổ tiên, đồng thời làm lễ tảo mộ, kết hợp với việc cả gia đình cùng nhau du xuân trong dịp này.

Theo phong tục, trong những ngày Thanh minh truyền thống, là dịp nhớ về cội nguồn, ông bà ta chọn tiết Thanh minh để làm lễ tảo mộ. Trong lễ đó, người ta thực hiện việc dọn dẹp sạch sẽ các ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, các bậc tiền nhân, cắt sạch cỏ trên mộ và đắp thêm đất lên những chỗ bị sụt lún của các ngôi mộ. Bởi trước đó nhiều cơn mưa trong dịp Xuân phân đã làm cho các ngôi mộ có thể bị sụt lún và làm cho cây cỏ mọc nhanh hơn, có thể trùm lên mộ, nên cần phải cắt cỏ và đắp thêm đất lên.

Đồng thời, trong khi đi tảo mộ,  mọi người có thể đi dạo, ngắm cảnh trí, cây cối xung quanh, chân bước lên thảm cỏ tươi tốt ngày xuân mát mẻ, nên còn gọi là “đạp thanh”. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã có câu:

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh"

Đó quả thật là những câu thơ hay và đẹp về phong tục quý của người Việt…

 Người dân đi tảo mộ trong tiết thanh minh.  Ảnh Thân Trần

 Cũng trong tiết Thanh Minh còn có Tết bánh trôi, bánh chay của người Việt 

Theo tích xưa bên Trung Quốc, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước mà chạy, có kẻ sỹ Giới Tử Thôi theo phò vua. Một hôm, hết lương thực, Giới Tử Thôi phải cắt miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong mới biết, cảm kích vô cùng. Sau mười chín năm lưu lạc, trải qua bao gian khổ, cuối cùng Tấn Văn Công giành lại được ngôi vua, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi đành trở về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở. Tấn Văn Công sau sực nhớ ra, cho người đi gọi về để thưởng công. Nhưng Giới Tử Thôi không chịu về. Vua bèn hạ lệnh đốt rừng để ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không về, nên cả hai mẹ ôm nhau chết cháy. Vua thương xót cho lập miếu thờ và hạ lệnh dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mùng 3 tháng 3 đến mùng 5 tháng 3 âm lịch hằng năm), chỉ được ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Từ đó ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực.

Qua quá trình tiếp biến văn hóa, từ xa xưa, người dân Việt đã tiếp nhận Tết Hàn thực. Tuy nhiên ý nghĩa của ngày Tết này đã biến đổi hẳn và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như đời sống xã hội của người Việt. Trong ngày Tết Hàn thực, người Việt không kiêng việc củi lửa, nấu nướng, mà dùng bánh trôi, bánh chay để ăn, mang ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. Do đó tết Hàn thực của người Việt còn được gọi là Tết bánh trôi, bánh chay…

Qua đây có thể thấy sức sống mãnh liệt của nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Bởi sự giao thoa giữa các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau trong lịch sử luôn xảy ra như một điều tất yếu. Tuy nhiên, đối với người Việt, những phong tục, tập quán du nhập từ bên ngoài luôn được chắt lọc và tiếp biến sao cho phù hợp với đạo lý truyền thống của mình, góp phần làm nên một không gian văn hóa độc đáo và đa sắc, một tài sản quý giá của quốc gia mà người Việt Nam luôn có thể tự hào./.

Đào Nguyên Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực