Rác thải sinh hoạt được người dân đốt gây ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ - thôn
Chất Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một trào lưu với tên gọi “Challenge For Change - Thách thức để thay đổi” đang gây được chú ý của cộng đồng mạng. Trào lưu này được khơi nguồn từ một tài khoản facebook có tên là Byron Roman, khi anh này chia sẻ dòng trạng thái “Thách thức những bạn trẻ đang buồn chán. Hãy chụp ảnh một khu vực nào đó cần dọn dẹp, sau đó chụp lại khi bạn đã thay đổi nó rồi chia sẻ trên mạng”, kèm theo hai tấm ảnh chụp trước và sau khi dọn sạch hết đống rác ngổn ngang trên một bãi đất.
Ngay lập tức hành động thách thức này nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng và trở thành trào lưu lớn trên toàn thế giới, thu hút hàng nghìn người tham gia. Ở Việt Nam, trào lưu này nhanh chóng được nhiều bạn trẻ, tổ chức đoàn và cộng đồng mạng đón nhận. Thậm chí, Viện nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế còn phát động cả một cuộc thi với tên gọi “Thừa Thiên Huế - Hành động để thay đổi - Vì một Huế xanh”.
Trở lại câu chuyện ở nước ta, theo số liệu thống kê, đánh giá của Đại học Georgia, năm 2018 Việt Nam đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia về “thành tích” xả rác thải ra môi trường. Đặc biệt, nước ta là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Trung bình mỗi ngày Việt Nam thải ra 120.000 tấn rác thải, bình quân 1,2kg rác/người. Riêng thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra môi trường 8.300 tấn rác, thành phố Hà Nội hơn 6.000 tấn. Việc chúng ta bắt gặp những “núi rác” ùn ứ, bốc mùi hôi thối, chảy ra nước tại các thành phố lớn là chuyện thường ngày.
Với bất kỳ một quốc gia nào không chỉ riêng Việt Nam, rác thải là sản phẩm tất yếu của cuộc sống. Rác từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khám chữa bệnh, sinh hoạt hằng ngày của con người… Cùng với mức sống của chúng ta ngày càng được nâng lên, sự phát triển của công nghiệp hóa ngày càng sâu rộng, rác thải cũng được tạo ra ngày càng nhiều với những thành phần phức tạp và đa dạng. Xử lý rác thải đang trở thành một vấn đề nóng bỏng của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam nơi vốn được coi là điểm đến hấp dẫn của bạn bè thế giới đang hàng ngày phải đối mặt với rác thải. Từ ngõ nhỏ đến đường lớn, từ làng ra phố, từ nhà ra đồng ruộng… xuất hiện đầy túi ni lông, chai nhựa, giấy loại, bao vỏ thuốc sâu. Đến những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đình, chùa là chốn linh thiêng cũng tràn ngập rác, vàng mã đốt cháy đêm ngày. Mặc dù nhà nước trang bị rất nhiều thùng đựng rác nơi công cộng, xe thu gom rác nhưng các bãi rác tự phát lại mọc nhanh như nấm. Có nghịch lý những nơi có biển cấm đổ rác thì thành bãi rác. Phải chăng nhiều người dân trong chúng ta chỉ biết chăm chút làm sạch, đẹp ngôi nhà của mình, còn việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường bên ngoài là việc của người khác và cơ quan chức năng.
Khác với các trào lưu vô bổ, nguy hiểm khác trên mạng xã hội thời gian qua. Đến Việt Nam “Thách thức để thay đổi” đã tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tổ chức xã hội, các bạn trẻ. Điều đó chứng minh chúng ta không quay lưng lại với các vấn đề từ rác gây ra cho chính cuộc sống của chúng ta. Tại sao thách thức này được nhiều người ủng hộ? Bởi rác thải chính là một trong nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của phần đông dân cư. Liệu trào lưu này có thể “thay đổi” được nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường và ngừng xả rác thải nơi công cộng? Đằng sau những tấm hình được chia sẻ bởi những việc làm của các bạn trẻ, các tổ chức đoàn, xã hội thì liệu ngày mai rác có quay trở lại ngập tràn những con phố, ngõ hẻm hay chính nơi mà các bạn trẻ mới dọn dẹp sạch xong ngày hôm qua? Câu trả lời ở chính bản thân của chúng ta trong cách ứng xử với rác như thế nào.
Để thay đổi nhận thức của con người trong ứng xử với rác, bảo vệ môi trường sao cho có hiệu quả, trước hết phải làm từ “gốc” đó là thay đổi ý thức của người dân. Thông qua tuyên truyền vận động để người dân tham gia bảo vệ môi trường sống. Cần “làm sạch” thói quen xả rác bừa bãi, “tiện đâu vứt đấy” của mọi người. Ở góc độ nhỏ, sự thay đổi đó phải bắt đầu chính từ bản thân con người và chính trong gia đình mình đang sống. Ví như bỏ thói quen sử dụng túi ni lông trong đựng thực phẩm bằng những túi giấy sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường. Mỗi gia đình nên phân loại rác (hữu cơ, vô cơ) trước khi đem ra ngoài. Các công ty, siêu thị cần có nhiều túi đựng có thể tái sử dụng nhiều lần cho khách hàng, áp dụng nhiều cách mà cách nước tiên tiến trên thế giới đang làm như dùng lá chuối để gói thực phẩm, hoa quả ở Thái Lan chẳng hạn.
Lớn hơn đó là nhà nước nên có chế tài mạnh trong xử lý nghiêm những trường hợp xả rác bừa bãi và biểu dương, khen thưởng, khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực bảo vệ môi trường. Đồng thời, đầu tư xây dựng các khu xử lý rác hợp lý, xa khu dân cư, có quy trình tái chế sử dụng rác hiệu quả. Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với những người trực tiếp, hàng ngày thu gom và xử lý rác thải vì đây là công việc mang tính đặc thù độc hại cao./.