Ùn tắc, kẹt xe- điệp khúc quen…
Tắc đường dưới nắng nóng trên 36 độ ở thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)
Mặc dù thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục vấn đề ùn tắc giao thông như hạn chế phát triển phương tiện xe cá nhân, đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, nhưng đến nay tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí mức độ ngày càng tăng, nhất là cửa ngõ Đông bắc và phía Nam của Thành phố này, gây bức xúc trong nhân dân cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội.
Không khó để bắt gặp người điều khiển phương tiện giao thông bất chấp luật giao thông, ngang nhiên vi phạm các lỗi cơ bản như lấn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, đổi hướng bất ngờ, tránh vượt không đúng qui định, không chấp hành các biển báo, đi ngược chiều…trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hồ Chí Minh đã xử phạt trên 11 nghìn trường hợp vi phạm giao thông với tổng số tiền xử phạt hơn 33 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ riêng Đội Thanh tra giao thông số 3, thuộc Sở Sở Giao thông vận tải Hồ Chí Minh đã phát hiện và lập biên bản 236 trường hợp vi phạm hành chính trên các lĩnh vực giao thông đường bộ với tổng số tiền đề xuất xử phạt hơn 552 triệu đồng.
Có thể thấy, đô thị có số dân tăng nhanh dẫn đến sức ép đối với nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề giao thông. Mặc dù thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông song kết quả còn rất hạn chế. Trong khi đó, cơ quan quản lý giao thông phân luồng giao thông trên nhiều tuyến còn chưa hợp lý. Việc các công trình giao thông chậm tiến dộ dựng hàng rào chiếm lòng đường lâu ngày, đào đường tràn lan, tái lập mặt đường cẩu thả, ...cũng là nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Một nguyên nhân khác là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn phổ biến. Một số đầu cầu bị chiếm dụng làm nơi họp chợ. Nhiều trường học đóng trên những tuyến đường giao thông chính nên rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc khi phụ huynh tập trung chờ đưa đón con em.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư- Tiến sỹ Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân sâu xa làm cho công tác trật tự an toàn giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt hiệu quả cao là do sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhất nước. Trên đường phố, hàng ngày có hàng chục nghìn lượt xe các loại từ các tỉnh, thành phố khác qua lại. Phương tiện vận tải hành khách công cộng, hiện nay chủ yếu là xe buýt chưa thu hút nhiều hành khách, chỉ tập trung đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật giao thông tuy được cải thiện nhưng không thể theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông, nhất là xe gắn máy. Theo thống kê, thành phố Hồ Chí Minh có gần 3900 con đường với chiều dài khoảng 3600km. Tuy nhiên, 70% trong số đó có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 7m. Mật độ đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ đạt khoảng 1,8km/km². Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là có tới hơn 4300 nút giao thông, trong đó chỉ có khoảng 20 nút khác mức, còn lại là đồng mức, nguyên nhân hàng đầu làm cản trở giao thông và tiềm ẩn những vụ ùn tắc giao thông.
Những điểm nóng về ùn tắc trên địa bàn có thể kể đến như: khu vực cảng Trường Thọ và khu vực ngã ba Cát Lái, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh- Bạch Đằng, giao lộ Trường Chinh- Cộng hòa, Lê Quang Định ( khu vực chợ Gò Vấp), ngã sáu Gò Vấp, Hoàng Minh Giám ( khu vực công viên Gia Định), giao lộ Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ, tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, cầu Phú Mỹ ( khu vực ra vào cảng Cát Lái.v.v…
Vào các giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc xảy ra trên địa bàn Thành phố đã khiến giao thông tại khu vực này tê liệt, hàng nghìn người trễ giờ làm, trễ giờ học, thậm chí nhiều xe container phải chờ hàng buổi mới vào được cảng Cát Lái lấy được hàng. Hàng loạt tuyến đường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ùn tắc kéo dài. Điệp khúc trễ giờ học, trễ giờ làm đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc, hàng trăm xe ô tô nhích bánh từng chút một. Tại các ngã rẽ trên quốc lộ, xe cộ đâm đầu vào nhau, leo lên vỉa hè càng khiến giao thông thêm rối loạn. Tắc đường đã làm giảm năng suất vận tải. Ở thành phố thường xuyên ùn tắc, đặc biệt ở khu vực cảng Cát Lái, do thiết kế không đồng bộ giữa lượng hàng hóa, cao điểm có ngày có tới 19 nghìn lượt xe ra vào cảng này. Ùn tắc giao thông đã mang lại những hậu quả và hệ lụy tồi tệ cho đời sống đô thị, gây lãng phí thời gian, tăng chi phí nhiên liệu, giảm hiệu suất làm việc, tăng lượng khí thải và ô nhiễm môi trường, tạo tâm lý mệt mỏi và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng.
Tìm giải pháp hữu hiệu
Cầu vượt trên xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịcUBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngoài việc phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh, đây được Thành phố xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để từng bước giải quyết các vấn đề giao thông của đô thị lớn nhất cả nước. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 300 camera được lắp đặt phục vụ công tác giám sát và điều tiết giao thông, 48 bảng thông tin giao thông điện tử trên các tuyến đường trọng điểm của Thành phố... Việc triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý và điều hành giao thông đô thị bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.
Với mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế của Vùng thành phố Hồ Chí Minh trong khu vực và thế giới. Phát triển Vùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững; một vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, có cơ cấu kinh tế hiện đại và là trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á. Trong đồ án Điều chỉnh qui hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng được thực hiện để khắc phục các hạn chế trong định hướng phát triển không gian Vùng và những tồn tại, bất cập trong thực trạng phát triển Vùng. Xây dựng một vùng có khả năng kết nối tốt thông qua hệ thống giao thông với những dự án trọng điểm quốc gia được tập trung ưu tiên; cao tốc Bến Lức- Long Thành, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh- Nha Trang, cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai)…Đồ án này đã phân tích cụ thể mô hình phát triển giao thông và xác định khung giao thông vàng; tổ chức mạng lưới và xác định các tuyến giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không phù hợp với chiến lược phát triển giao thông quốc gia và quốc tế. Xác định vị trí, tính chất, qui mô các công trình đầu mối giao thông gồm cảng hàng không quốc tế, cảng biển,các bến thủy nội địa, ga đường sắt. Đồng thời cũng đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và hành lang bảo vệ các công trình giao thông. Ngoài ra, còn có các đồ án phát triển giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh khác như Đồ án diều chỉnh qui hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010; Đồ án Điều chỉnh Qui hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 568/QĐ/TTg ngày 08/04/2013… với các định hướng chính như phát triển thành phố Hồ Chí Minh gồm 13 quận nội thành hiện hữu và sáu quận mới, thị trấn thuộc huyện, các đô thị phát triển. Tại sáu quận mới sẽ đầu tư xây dựng các đô thị có qui mô hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, xây dựng các bãi đỗ xe ngầm hiện đại. Ngoài việc cải tạo nâng các tuyến giao thông đường bộ đối ngoại, thành phố Hồ Chí Minh sẽ cải tạo một số tuyến đường sắt và xây dựng đoạn đường sắt trên cao, xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước, tiến hành nạo vét để đảm bảo lưu thông cho 2 luồng sông Lòng Tàu và Soài Rạp ra biển…
Cũng theo Phó giáo sư- Tiến sỹ Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh cần được qui hoạch theo quan điểm “thành phố mở” nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng (cảng biển, sân bay), gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt nhất thế mạnh king tế- xã hội tổng hợp của toàn Vùng.
Ngoài ra, cần phải chú trọng bảo trì để khai thác triệt để năng lực hạ tầng giao thông hiện có, đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá đóng vai trò động lực phát triển kinh tế- xã hội. Cùng với đó là nâng cao chất lượng vận tải, chú trọng vào giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics. Cần đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Đồng thời huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước , khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải dưới nhiều hình thức, ưu tiên dành quĩ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tâng cường công tác quản lý hành lang an toàn giao thông, hạn chế tiến tới giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Chú trọng vào công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh./...