Tặng quà, động viên gia đình có công với cách mạng ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: TT
Là một trong những địa phương có tỷ lệ đối tượng chính sách cao của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về thương binh, liệt sĩ và người có công, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo đó, Thành phố đã tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các pháp lệnh, nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng đến các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng, từ quận, huyện đến xã, phường, thị trấn và đến từng người dân; đặc biệt chú trọng đến việc chỉ đạo các cấp cơ sở tiến hành việc xác định, xác minh người có công với cách mạng một cách nghiêm minh, chặt chẽ, lấy đó làm cơ sở giải quyết tốt quyền lợi của đối tượng chính sách theo đúng quy định của Nhà nước. Bằng những chủ trương, chính sách phù hợp với tình cảm và trách nhiệm của nhân dân thành phố, Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã được các tầng lớp nhân dân Thành phố hưởng ứng sôi nổi.
Theo thống kê trong giai đoạn 2001 - 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã chủ trì vận động các sở, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân thành phố đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm lo diện chính sách thành phố. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã vận động xây dựng 1.842 nhà tình nghĩa trị giá gần 27 tỉ đồng, sửa chữa 225 nhà tình nghĩa trên 1,1 tỉ đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 24 quận huyện vận động xây dựng mới 595 nhà tình nghĩa trị giá gần 15 tỉ đồng, sửa chữa 553 nhà tình nghĩa trị giá trên 5 tỉ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 322 phường, xã - thị trấn vận động xây dựng 968 nhà tình nghĩa trị giá trên 26 tỉ đồng, sửa chữa 677 nhà tình nghĩa trị giá gần 7 tỉ đồng. Đồng thời, vận động phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng, vận động và quản lý quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”; từ năm 2009 đến năm 2015 đã vận động trên 147 tỉ đồng.
Đặc biệt, cùng với việc phát động các phong trào vận động các nguồn lực xã hội chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác hậu phương quân đội, Thành ủy luôn quan tâm chỉ đạo việc vận dụng và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội tại thành phố. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận thêm được 7.545 đối tượng hưởng chế độ chính sách có công. Trong đó có 1.102 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 225 mẹ còn sống), 2 liệt sĩ, 1 bệnh binh, 300 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 350 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 152 người có công giúp đỡ cách mạng, 227 cán bộ lão thành cách mạng, 350 cán bộ tiền khởi nghĩa, giải quyết cho 5.122 người hoạt động cách mạng (trong đó 1.335 người mới được công nhận).
Hiện nay, Thành phố đang đang thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng cho 265.983 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng với 49.425 liệt sĩ, 4.776 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 315 mẹ còn sống), 25.960 thương binh, 3.506 bệnh binh, 5.445 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 67.983 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 27.294 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.386 cán bộ lão thành cách mạng, 1.809 cán bộ tiền khởi nghĩa; trong đó có 46.999 đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng với kinh phí 65,015 tỉ đồng/tháng. Ngoài ra, thành phố đã sử dụng ngân sách, vận động các nguồn lực của xã hội, nâng nhiều chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách như: nâng kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa từ mức 50 triệu đồng/căn lên mức 60 triệu đồng/căn (riêng huyện Cần Giờ và Nhà Bè là 70 triệu đồng/căn); nâng mức hỗ trợ thêm từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/căn cho đối tượng là người có công với cách mạng xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà; tăng mức hỗ trợ sinh hoạt cho các đối tượng chính sách có công, đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè từ 900 nghìn đồng/tháng lên 1,2 triệu đồng/người/tháng… Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Thêm là mẹ của Liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Mai ở ấp Thống Nhất 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) xúc động cho biết: “Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thành phố, thực sự tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc đến các cấp, các ngành đã giúp đỡ gia đình tôi có được căn nhà tình nghĩa khang trang như ngày hôm nay”.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách hậu phương quân đội thuộc quân đội chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện như giải quyết chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên từ ngày 31-12-1960 trở về trước (1.569 trường hợp, số tiền chi trả trên 8,5 tỉ đồng); chế độ đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Nhà nước (8.343 trường hợp số tiền chi trả gần 33 tỉ đồng); chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên xuất ngũ về địa phương (3.936 trường hợp, số tiền gần 23,4 tỉ đồng, đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên thôi việc (33.917 trường hợp hưởng chế độ 1 lần, số tiền chi trên 140 tỉ đồng và 103 trường hợp hưởng chế độ hàng tháng).
Trong thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đến nay, Thành phố đã hoàn thành tổng hợp việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tập trung rà soát, kiện toàn hồ sơ, tài liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ở các địa phương, đơn vị. Hoàn thành cơ bản việc việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập ở các cấp. Từng bước thông tin rộng rãi về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đã phối hợp khảo sát, tìm kiếm, quy tập được 28 hài cốt liệt sĩ tại các địa phương trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, trong đó có 14 hài cốt liệt sĩ, biết tên, đơn vị và thân nhân, gia đình...
Thực tế thời gian qua ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc lãnh đạo công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách hậu phương, quân đội, thành phố đã có nhiều chủ trương chính sách và tổ chức vận động nhân dân phát huy truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tự giác, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, đạt nhiều kết quả thiết thực. Đã động viên được nhiều nguồn lực giải quyết chính sách về nhà ở, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ giải quyết việc làm, chăm sóc y tế cho gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, nâng mức trợ cấp và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với bộ đội phục viên xuất ngũ đã thể hiện sự biết ơn của Đảng bộ và nhân dân thành phố đối với công lao to lớn của những người và gia đình có nhiều cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, đời sống của các gia đình chính sách có công không ngừng được cải thiện và nâng cao, đến nay thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu 100% phường, xã, thị trấn được công nhận hoàn thành mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng chính sách có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội là trách nhiệm, tình cảm của Đảng bộ nhân dân thành phố. Thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hi sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được biết, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cụ thể hóa đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa phù hợp hơn nữa với điều kiện thực tế của tỉnh, nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; gắn công tác này với việc hoạch định đúng đối tượng, đồng thời thúc đẩy sự xã hội hóa sâu rộng các hoạt động liên quan. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố giải quyết các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, đạt sự hài hòa giữa hiệu quả về mặt xã hội với phát triển kinh tế, góp phần thiết thực phát huy tinh thần nhân văn “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.