|
Hình ảnh thành phố Huế nhìn từ trên cao. |
Đồng chí Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, trải qua quá trình phát triển, quy mô diện tích của thành phố Huế trở nên quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số có xu hướng tăng cao, hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội khu vực trung tâm dần quá tải, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến các yếu tố di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân Thừa Thiên Huế nói chung, thành phố Huế nói riêng.
“Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Huế có điều kiện thực hiện tốt việc gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi mà tổ tiên đã để lại; song song với việc thực hiện vai trò của đô thị động lực trung tâm, hạt nhân của mô hình đô thị di sản đặc thù cùng với toàn tỉnh hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo định hướng “Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” - Chủ tịch UBND thành phố Huế chia sẻ.
Năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH11 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Huế đã được mở rộng địa giới hành chính từ 27 phường lên 36 phường, xã (29 phường và 7 xã) thông qua việc thành lập phường Gia Hội trên cơ sở nhập phường Phú Cát và Phú Hiệp; nhập phường Phú Bình và Thuận Lộc thành phường Thuận Lộc; nhập phường Phú Hòa và Thuận Thành thành lập phường Đông Ba; điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và 7.548 dân của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80km2 diện tích tự nhiên và 4.926 dân còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa. Đồng thời, thành lập 4 phường thuộc thành phố Huế, gồm: phường Hương Vinh trên cơ sở xã Hương Vinh; phường Thủy Vân trên cơ sở xã Thủy Vân; phường Phú Thượng trên cơ sở xã Phú Thượng; phường Thuận An trên cơ sở thị trấn Thuận An.
|
Bí thư Thành ủy Thành phố Huế Phan Thiên Định. |
Đó là khoảng thời gian rất quan trọng khi bối cảnh toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa triển khai tái khởi động các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa phải gấp rút kiện toàn, ổn định bộ máy và hoàn chỉnh các thủ tục để đảm bảo cho việc triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp vào ngày 23/5/2021. Một trong những khó khăn lớn nhất thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh địa giới hành chính là chuyển đổi tư duy, cung cách làm việc, nâng cao năng lực và trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ phường, xã để đáp ứng yêu cầu công việc của chính quyền đô thị; tăng cường năng suất, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy các phòng ban thành phố trong bối cảnh số đơn vị hành chính, diện tích, quy mô dân số, khối lượng công việc (nhất là thủ tục hành chính và dự án đầu tư) đều tăng một cách đột biến trong khi biên chế và cơ cấu lãnh đạo gần như không được phép thay đổi theo hướng bổ sung.
Do đó, khâu then chốt, "chìa khóa" để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra là tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự. “Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách dôi dư tại các phường, xã. Bên cạnh đó, thành phố Huế luôn chú trọng điều động cán bộ trẻ, có năng lực từ Thành phố về làm cán bộ chủ chốt ở cơ sở; điều chuyển, hoán đổi cán bộ chủ chốt giữa các địa phương thuộc thành phố trước đây với các đơn vị mới sáp nhập vào để nâng cao và đồng bộ công tác chỉ đạo; rà soát, điều chuyển cán bộ chủ chốt giữa các địa phương, xóa tình trạng "bà con, dòng tộc" trong bộ máy chính quyền cơ sở, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng mất đoàn kết, phe cánh tại một số đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với việc áp dụng nâng chuẩn cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng ban thành phố đến phường, xã” - đồng chí Phan Thiên Định chia sẻ.
Bên cạnh đó, thành phố Huế đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (ưu tiên các phường, xã mới), chủ động điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường; tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm: Di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố Huế; chỉnh trang Công viên 2 bờ sông Hương; dự án chỉnh trang các tuyến đường trung tâm, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trục đường chính các xã, phường mới sáp nhập; chỉnh trang bến xe Đông Ba phục vụ du lịch, dịch vụ về đêm,... phát triển đồng bộ, hài hòa kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn, tạo diện mạo cho khu vực nông thôn, kết nối đồng bộ với khu vực đô thị.
|
Thành phố Huế đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. |
Trong năm 2023, thành phố đã triển khai 22 đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị; quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Huế; Chương trình thành lập 3 phường trên cơ sở 3 xã: Phú Dương, Phú Mậu và Thủy Bằng; Chương trình phát triển đô thị thành phố Huế đến năm 2023 và định hướng đến năm 2030. Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định cho biết thêm, công tác giáo dục đào tạo luôn được quan tâm. Cụ thể, quy mô, mạng lưới trường lớp được duy trì và phát triển; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ngày một nâng cao; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, học sinh giỏi - học sinh năng khiếu tăng qua các năm. Đã có những giải pháp trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cở sở vật chất, trang thiết bị dạy học các trường học.
Đồng thời, hạ tầng đã được đầu tư, nâng cấp làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể so với trước năm 2021,… tạo đà cho Huế phát triển năng động, sáng tạo, hội đủ điều kiện lõi trung tâm đô thị di sản đặc thù, đóng góp quan trọng vào việc nhận diện mô hình đô thị di sản đặc thù của thành phố Huế trong tương lai (bao gồm cả tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-Tg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó có nội dung, thành phố Huế hiện nay sẽ được điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng tách thành 2 quận (Bắc sông Hương và Nam sông Hương).
Đồng chí Bí thư Thành ủy thành phố Huế khẳng định, Đảng bộ, nhân dân thành phố Huế đang quyết tâm, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành sứ mệnh, trọng trách được giao phó, cùng với toàn tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ phía trước còn hết sức nặng nề, song với những kết quả đã đạt được, dưới sự chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế chắc chắn sẽ hoàn thành các yêu cầu, kế hoạch, mục tiêu đã đề ra./.