Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ và cứu hộ cứu nạn

Chủ nhật, 01/11/2020 20:18
(ĐCSVN) – Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nhân dân nhiều địa phương miền Trung đang khốn khó, sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", thiếu lương thực, trẻ em chưa thể đến trường... Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải cấp bách có giải pháp cụ thể để đời sống nhân dân nhanh chóng trở lại bình thường…”.

Chính phủ luôn quan tâm và tiếp tục sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ bà con vùng lũ lụt

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại cuộc họp (Ảnh: Đình Tăng).

Chiều 1/11, tại Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác khắc phục  hậu quả cơn bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn với các Bộ, ngành Trung ương và 4 địa phương miền Trung bị thiệt hại nặng của bão số 9 gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Bình Định.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Quốc hội; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và xã hội, Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 và các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TP.Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người mất tích tại Trà Leng (Nam Trà My), Phước Lộc và Phước Thành (Phước Sơn); nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các địa phương báo cáo tình hình phòng chống bão số 9, các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn: VTV 

Đồng thời, Thủ tướng cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tình hình thiệt hại do bão số 9 và công tác khắc phục hậu quả bão số 9. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Cường, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, thống kê tính đến 14 giờ ngày 31/10, bão đã làm 80 chết, mất tích, trong đó có 45 người do sạt lở đất; 727 nhà bị sập hoàn toàn; ước tính thiệt hại khoảng 10 ngàn tỷ đồng.

Trung ương, các địa phương đã chỉ đạo tổng lực 66.121 lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, 1.716 phương tiện để ứng phó, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Thời gian đến, sẽ nhanh chóng phục hồi toàn bộ lưới điện, khắc phục tạm thời trường học để học sinh đi học lại vào ngày 2/11; các bệnh viện, trạm y tế, công sở đảm bảo ưu tiên cấp điện nước để hoạt động bình thường.

Các địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.500 tấn gạo, thuốc lọc nước, vắc xin, hóa chất khử trùng; đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 800 tỷ gồm Quảng Nam 250 tỷ đồng, Quảng Ngãi 250 tỷ đồng, Bình Định 150 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Nghệ An 50 tỷ đồng và Kon Tum 50 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất hỗ trợ để địa phương khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, đại diện các bộ, ngành Trung ương cũng thông tin công tác hỗ trợ, giúp các địa phương miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; nêu rõ những định hướng sắp tới của bộ, ngành mình nhằm giúp các địa phương sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

 Thủ tướng nghe lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình tìm kiếm người mất tích tại Trà Leng (Nam Trà My), Phước Lộc và Phước Thành (Phước Sơn) (Ảnh: Đình Tăng).

Trả lời đề xuất hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, theo Nghị định 136 đối tượng được hỗ trợ hiện nay đối với nhà bị hư hại là 20 triệu đồng, nhà bị sập là 40 triệu đồng.

Về gạo, theo Nghị định 136, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, như đề xuất của địa phương hiện nay mỗi khẩu của mỗi hộ được hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng không quá 15kg. Về đề xuất của của các địa phương hỗ trợ gạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngay ngày mai nếu như địa phương có văn bản thì Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính cũng sẽ có văn bản ngay để đảm bảo cho người dân các địa phương không ai bị đói, không ai không có gạo ăn.

Đối với các hộ có người chết và bị thương, theo tinh thần của Nghị định 136 là có hỗ trợ. Theo đó, người chết được hỗ trợ 10 triệu, người bị thương được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất: “Đối với các cháu mất cả cha lẫn mẹ, mồ côi thì cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước sẽ bảo trợ cho các cháu, trừ các cháu mà quân đội, công an đảm nhận cho các đi học thiếu sinh quân… nhưng về phía Nhà nước thì chịu trách nhiệm toàn bộ cho các cháu này. Không để cháu nào mồ côi cha mẹ mà không có nơi học hành, không có nơi ăn uống và nuôi dưỡng”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, riêng các cháu đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được đưa vào các trường phổ thông dân tộc nội trú nuôi theo quy định hiện hành.

Liên quan đến tình hình thị trường sau bão lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: về cơ bản đều đảm bảo bởi ngay sau bão Bộ đã có các chỉ đạo có liên quan đến các đơn vị. Trong khi đó, từ trước bão các địa phương cũng đã có dự trữ hàng hóa.

Đối với vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất cần có cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ tại các dự án thủy điện, trên cơ sở đó có những đánh giá khoa học, chính xác có sự tác động như thế nào của thủy điện với tình hình lũ lụt hiện nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đồng ý đề xuất của các địa phương là cần đánh giá khách quan, khoa học về hiện tượng thời tiết cực đoạn gần đây, trong đó có nguyên nhân vì sao như thế. Trên cơ sở đó để có kế hoạch ứng phó với thiên tai cấp quốc gia để không bị động và hạn chế những thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, thời tiết gây ra.

 Tại cuộc họp, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, các quân khu và các địa phương trong việc khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới (ảnh: Đình Tăng).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề trước tình hình bão lũ lớn như thế, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, cuộc họp cần thảo luận về huy động các nguồn lực cần thiết, hệ thống chính trị vào cuộc, để làm sao sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

“Nhân dân nhiều địa phương miền Trung đang khốn khó, sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", thiếu lương thực, trẻ em chưa thể đến trường... Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải cấp bách có giải pháp cụ thể để đời sống Nhân dân nhanh chóng trở lại bình thường. Cuộc họp này chưa phải đưa ra kết luận nhưng các bộ, ngành, các địa phương phải nêu nguyên nhân của các vụ sạt lở đất để từ đó nghiên cứu giải pháp ổn định, sắp xếp dân cư về lâu về dài” - Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh thêm: Nhân dân ta có tinh thần tương thân tương ái, các địa phương nhất là Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể phải phát huy sức mạnh này để góp phần hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống và tình hình sản trở lại bình thường.

Liên quan đến công tác chăm lo các trẻ em có người thân là cha mẹ bị chết, Thủ tướng cho hay, trong chuyến đi thị sát sáng nay đã đến thăm các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Trà Leng rất đau lòng, đặc biệt có các cháu mất cha mẹ. “Giao cho Quân khu 5, liên hệ xử lý cụ thể từng trường hợp nhận nuôi đối với những cháu có cha mẹ chết. Đó là tình cảm của quân đội, của nhân dân chúng ta đối với hoàn cảnh vô cùng thương tâm như thế”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, đã trên 20 năm qua mới có một cơn bão lớn như bão số 9 vừa rồi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại do cơn bão này gây ra.

“Từ việc ban hành các kế hoạch, kịch bản ứng phó đến các công điện chỉ đạo và thành lập, phân công các sở chỉ huy tiền phương, đưa lực lượng công an, quân đội và nhiều lực lượng khác cùng các phương tiện cần thiết để khắc phục hậu quả của mưa bão và tiến hành tìm kiếm cứu nạn…”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao các lực lượng, nhất là lực lượng quân sự, công an đã bám sát hiện trường để chỉ đạo, tập trung khắc phục và cứu dân. Từng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như lãnh đạo các cấp ở các tỉnh, thành, quận, huyện, phường, xã, thôn, buôn… đều có mặt rất sớm để chỉ đạo và đôn đốc công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.

“Đảng, Nhà nước tin tưởng nhân dân và chính quyền các địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn này để vươn lên; từ kinh nghiệm thực tiễn và quyết tâm cũng như sự hỗ trợ của cả xã hội, nhân dân miền Trung và cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ tìm mọi biện pháp thích ứng để sống chung với bão lũ, đoàn kết vượt qua để ổn định cuộc sống và sản xuất” - Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.

Cùng với niềm tin đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường nhân lực và phương tiện để tìm người còn mất tích ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định; đồng thời tích cực điều trị người bị thương do bão lũ gây ra.

 Đại diện các bộ ngành, quân khu 5 và các địa phương cũng đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ (ảnh: Đình Tăng).

Thủ tướng cũng lưu ý, phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn, giúp họ vượt qua khó khăn, mất mát. Trong đó vai trò đi đầu phải là của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Phải làm tốt trách nhiệm và không được để người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Tiếp tục vận động mọi biện pháp để con em người dân vùng bão lũ có trường lớp và nhanh chóng được đến trường để học tập bình thường trở lại. Đối với các nguồn viện trợ từ xã hội, các đại phương lưu ý phải minh bạch, công khai, đảm bảo công bằng, hợp lí.

Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương các tập thể, cá nhân đã làm từ thiện, huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ nhân dân vùng lũ, nhất là các gia đình bị thiệt hại, mất mát. Đồng thời yêu cầu Mặt trận, các đoàn thể hỗ trợ làm trong việc làm nhà, ổn đinh đời sống nhân dân. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền cần khảo sát, tìm những khu vực an toàn để đưa dân đến cất nhà, có cuộc sống ổn định, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bão lũ gây ra. Phải chú ý đề phòng bão lũ số 10 sắp diễn ra và cảnh giác với sạt lở đất ở vùng núi, chống chìm tàu bè. Các bộ ngành cần có phương án công khai rõ ràng về nhiệm vụ của ngành mình trong hỗ trợ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ. Đặc biệt, công an và quân sự sẵn sàng cơ động hỗ trợ lực lượng khi Nhân dân các địa phương cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương, bộ ngành có liên quan rà soát lại hệ thống hồ đập để có phương án chủ động xử lý trong tình huống mưa lũ lớn; phải tính toán lưu lượng và điều tiết lượng xả hồ đập trên cơ sở bám sát quy trình liên hồ hiện nay.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng giao các công việc liên quan theo nhiệm vụ, lĩnh vực của các bộ ngành, Quân khu 5, Quân khu 4 trong việc giúp đỡ các địa phương miền Trung khắc phục hậu quả bão số 9 cũng như phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian đến./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực