Thúc đẩy đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Thứ tư, 25/10/2023 18:22
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là 1.426.479 người.

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng liên tục qua các năm và đạt cao nhất vào năm 2019, với 152.530 người (bằng 121% năm 2016). Trong đó, ghi nhận sự tăng nhanh tại thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản và Đài Loan; giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi.

Từ năm 2022, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dần trở lại bình thường (Ảnh minh hoạ - Nguồn: baochinhphu.vn)

Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19 (2020 và 2021), công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đóng cửa, tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài.

Đến năm 2022, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dần trở lại bình thường, với số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động (bằng 93,6% của năm 2019, khi chưa bùng phát dịch COVID-19).

Trong số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ chiếm khoảng 10%.

Ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động làm các thủ tục trước khi đi, chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã mở ra cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động cư trú tại các khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn cơ hội được đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ 2003 đến nay, các chính sách hỗ trợ cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã giúp gần 146 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người lao động thuộc các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo,… tạo điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần quan trọng vào kết quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Giải quyết việc làm và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những mục tiêu chủ chốt của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ta, theo hướng: Việc làm tốt hơn; giảm khoảng cách giữa việc làm tại nông thôn và thành thị, nam giới và nữ giới, chính thức và phi chính thức; phù hợp với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn nhân lực của Việt Nam, thúc đẩy sự gia tăng các cơ hội việc làm năng suất nhằm mục đích tăng năng suất lao động, đảm bảo thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc; phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu: “Phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới” theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ.

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới xác định: Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; đồng thời là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước.

Do vậy, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian tới, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, theo hướng: Thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước chưa ký hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa đi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; nâng cao chất lượng các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào việc phát triển và mở rộng thị trường, đồng thời có quy hoạch, định hướng thị trường lao động, phù hợp với quy mô và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để thực hiện các định hướng nêu trên cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chính sách, chương trình, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó nhấn mạnh đến việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm điều chỉnh bao quát các nhóm đối tượng, lao động, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc thù.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp: “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động. Cơ chế, chính sách, điều kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Hiện nay, quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn chỉ có 05 nhóm đối tượng, gồm: người lao động thuộc hộ nghèo, thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ NHCSXH, người lao động thuộc hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng.

Trong khi một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn hoặc một số nhóm lao động đặc thù từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH và nhiều đối tượng lao động khác không có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi. Do đó, chưa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, cần phải được sửa đổi để nâng cao hiệu quả, bảo đảm điều chỉnh bao quát các nhóm đối tượng lao động, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc thù./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực