|
Phóng viên Phạm Văn Hướng (mặc áo đen, đội mũ đứng giữa) quan sát nắm thông tin tại cuộc họp của Đoàn công tác tiền trạm cứu hộ cứu nạn trước khi lên đường vào Rào Trăng 3. |
Không đau lòng, thương xót sao được khi tất cả 13 đồng chí hy sinh lần này là thành viên Đoàn công tác tiền trạm cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân xây dựng Nhà máy bị vùi lấp.
Số đông trong 13 đồng chí hy sinh lần này đều là những người lính. Mà đã là người lính thì thời nào cũng có những hy sinh, mất mát dành cho họ khi làm nhiệm vụ vì sự bình yên của quê hương, đất nước, vì hạnh phúc và cuộc sống của Nhân dân. Tuy nhiên, những hy sinh và mất mát ngay trong thời bình lại càng thắm nhuộm nhiều thương đau, tiếc nuối...
Trong danh sách 13 đồng chí hy sinh có 1 thiếu tướng- Phó Tư lệnh Quân khu 4; 1 đại tá- Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng; 4 trung tá; 1 thượng tá; 2 đại uý; 2 thượng uý; 1 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; 1 Trưởng phòng Thông tin – Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là một mất mát to lớn không chỉ của gia đình, của quê hương mà cũng là những mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta.
Riêng trong số 13 cán bộ, chiến sỹ, sỹ quan hy sinh lần này thì nhà báo Phạm Văn Hướng (công tác tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế) - phóng viên duy nhất đi theo Đoàn công tác tiền trạm cứu hộ, cứu nạn có chi tiết khiến bất cứ ai biết đến anh và nghe tin cũng đều xót xa. Đó là đúng vào ngày 15/10 - ngày mà thi thể của anh trong số 13 thi thể gặp nạn hy sinh tại tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền lúc 0h ngày 12/10) được đội cứu hộ tìm thấy cũng là ngày sinh nhật thứ 52 của anh (anh sinh ngày 15/10/1968).
Bất ngờ và xót xa trước thông tin anh Hướng hy sinh, nhiều đồng nghiệp của anh tại Thừa Thiên Huế không cầm được nỗi đau thương tiếc và nhớ anh. Bởi ở anh trong suốt thời gian làm việc tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, anh luôn là một nhà báo giàu nhiệt huyết, xông xáo. Đặc biệt, anh tuy ít nói nhưng rất hoà đồng, hay cười; luôn sẵn sàng hỗ trợ khi các phóng viên khác cần giúp đỡ.
Với gia đình, anh là một người cha hiền lành, rất mực thương con cái. Anh lớn lên từ vùng đất Thái Bình, sau đó vào Thừa Thiên Huế lập nghiệp. Anh có một mái ấm với người vợ quê ở Quảng Bình cùng 2 cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Trong đó, cô con gái đầu đang theo học đại học ở Hà Nội và cô con gái út học lớp 11 tại Huế.
Giờ anh mất đi, chỗ dựa duy nhất của 2 con anh không còn nữa. Đây cũng là điều mà bất cứ ai biết về anh cũng tỏ ra xót xa khi hay tin anh hy sinh.
Theo người thân của anh, tối 12/10, anh Hướng theo đoàn công tác tiền trạm cứu hộ cứu nạn của Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lên thuỷ điện Rào Trăng 3 để tiếp cận, thông tin hiện trường và hoạt động cứu hộ, cứu nạn nạn nhân tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đang mất liên lạc và có nguy cơ bị mắc kẹt ở công trình. Khoảng 24 giờ ngày 12/10, anh cùng với 20 người khác đang trú trong ngôi nhà của Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 thì bị sạt lở vùi lấp nhà. 8 người may mắn thoát nạn, 13 người đã hy sinh, trong đó có anh...
|
Chuyến xe đưa thi thể anh Hướng rời tiểu khu 67- nơi xảy ra vụ sạt lở khiến anh và 12 người đi trong đoàn tiền trạm bị vùi lấp để đưa về TP Huế chiều 15/10. |
Trước thông tin anh Hướng hy sinh, trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước mắt, UBND tỉnh sẽ phối hợp cùng gia đình tổ chức tang lễ cho anh Hướng; tiếp theo sẽ lập 1 tài khoản để giúp đỡ gia đình anh. Sau tang lễ sẽ đưa thi thể anh Hướng vào Đà Nẵng để hỏa táng theo nguyện vọng của gia đình./.