(ĐCSVN) - Ngày 28/10, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tổ chức Hội thảo về Bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ.
Hội thảo là dịp để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giới thiệu về biểu tượng, chia sẻ thông tin về kết quả cuộc khảo sát thực trạng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để Hội lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, sử dụng biểu tượng, qua đó góp thêm tiếng nói để biểu tượng Chữ thập đỏ được bảo vệ, sử dụng đúng tại Việt Nam.
|
Hội thảo về Bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ tổ chức ngày 28/10 tại Hà Nội. (Ảnh: ĐT) |
Tại Hội thảo, giới thiệu về biểu tượng Chữ thập đỏ, ông Beat Schweizerty, Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Đông Nam Á cho biết: Biểu tượng Chữ thập đỏ là sáng kiến của Thụy Sĩ, được nhiều quốc gia công nhận vào năm 1864. Biểu tượng này được xem như dấu hiệu phân biệt đơn nhất có hiệu lực pháp lý để bảo vệ lực lượng y tế quân đội, những người cứu trợ tình nguyện và các nạn nhân của xung đột vũ trang. Tuy nhiên bên cạnh biểu tượng Chữ thập đỏ, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới còn sử dụng một số biểu tượng khác như Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ. Các biểu tượng này được Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 công nhận và hiện nay vẫn được sử dụng như các công cụ bảo vệ, nhận diện.
Tại Việt Nam, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn gắn liền với biểu tượng là hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng - biểu tượng chung được Phong trào Chữ thập đỏ -Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế quy định. Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Ngày 4/7/2013, Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả về Biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Báo cáo tại Hội thảo về Kết quả khảo sát thực trạng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tại 3 thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, bà Trần Thu Hằng, Phó Trưởng Ban truyền thông và phát triển nguồn nhân lực (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho biết, tình trạng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tùy tiện, sai mục đích diễn ra khá phổ biến. Những trường hợp sử dụng sai biểu tượng này xuất hiện nhiều ở bệnh viện, trạm y tế, xe cứu thương, cấp cứu, phòng khám, hiệu thuốc và trên cả các chuyên mục quảng cáo, chương trình chăm sóc sức khỏe, sản phẩm vệ sinh, môi trường, hóa mỹ phẩm, các dịch vụ bảo trì máy tính... Phần lớn nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là ngành Y tế còn nhầm lẫn giữa biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu tượng cứu thương của ngành Y tế...
![](/DATA/Upload/News/2015/10/QN705999_Bieu_tuong_2.jpg) |
Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động Chữ thập đỏ tại cơ sở, hoặc gắn trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ. Trong ảnh: Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng đúng mục đích trong buổi giao lưu trồng rừng ngập mặn giữa Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh với các bạn Nhật Bản tại huyện Tiên Yên tháng 9/2013. Ảnh: chuthapdoquangninh.org.vn |
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Đoàn Văn Thái cho rằng, hiếm có một biểu tượng nào được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế thừa nhận, coi là biểu tượng chung của những người làm công tác nhân đạo như biểu tượng Chữ thập đỏ. Để biểu tượng được sử dụng đúng mục đích, thời gian tới Hội sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của doanh nghiệp, người tiêu dùng về biểu tượng; tuyên truyền trực tiếp với các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện, trạm y tế… về chấp hành sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ. Hội cũng đề nghị Nhà nước có chế tài cụ thể xử lý việc lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, vi phạm Luật hoạt động Chữ thập đỏ Việt Nam...
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định việc bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ là rất cần thiết. Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ biểu tượng này; tuy nhiên hiện vẫn còn sai phạm trong sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tại một số cơ sở y tế. Để khắc phục tình trạng trên, đại diện ngành Y tế đề xuất nhiều giải pháp trong đó ưu tiên công tác truyền thông, có văn bản hướng dẫn và tăng cường công tác thanh kiểm tra trong việc sử dụng biểu tượng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được giới thiệu mẫu biểu trưng của biểu tượng Chữ thập đỏ Việt Nam; nghe một số doanh nghiệp có vi phạm trong sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ chia sẻ việc thực hiện các giải pháp khắc phục, cam kết không sử dụng biểu tượng sai trên các sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng năng lực cán bộ, hội viên, tình nguyện viên truyền thông về bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ và kinh nghiệm bảo vệ biểu tượng này./.