TP. Cần Thơ: Đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông đường thủy nội địa

Thứ ba, 15/12/2015 10:44
(ĐCSVN) – Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ, hiện Thành phố này có tổng chiều dài tuyến sông là hơn 876 km, trong đó 6 tuyến sông do Trung ương quản lý, còn lại 150 tuyến sông, rạch do thành phố Cần Thơ quản lý với tổng chiều dài trên 726 km.

 

                     Hệ thống giao thông thủy nội địa trên địa bàn thành phố Cần Thơ dày đặc 
                     khiến việc đảm bảo an toàn giao thông gặp không ít khó khăn (Ảnh: K.V)

Với mật độ khá dày của các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn, nên thành phố Cần Thơ cũng có rất nhiều bến thủy nội địa, bến khách ngang sông với hàng nghìn phương tiện hoạt động suốt 24/24h. Hiện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV đang quản lý 291 cảng, bến, trong đó có 3 cảng, gồm 2 cảng hàng hóa và 1 cảng hành khách. Cùng với đó là 230 bến thủy nội địa. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn có vài chục bến thủy nội địa hoạt động không phép ở các tuyến như rạch Cần Thơ, rạch Ô Môn, sông Hậu, rạch Sỏi Hậu Giang, kênh Thị Đội Ô Môn và 20 bến được cấp phép đã hết hạn, 36 bến chưa được cấp phép lại.

Cùng với những bến thủy nội địa hoạt động trái phép, hiện trên các tuyến sông, kênh, rạch ở thành phố Cần Thơ còn có tình trạng đăng, đáy cá, nuôi thủy sản cũng ảnh hưởng đến luồng, tuyến vận chuyển của các phương tiện thủy. Các loại đăng, đáy cá, bè nuôi cá hoạt động không phép, neo đậu mất trật tự, gây cản trở giao thông đường thủy và ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo trật tự giao thông đường thủy, Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ đã thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như cho ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy đến tận các hộ dân, các chủ kinh doanh bến thủy nội địa, bến khách ngang sông.

Sau khi thành phố Cần Thơ tổ chức thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", từ năm 2010 đến nay, Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa, đề xuất chấn chỉnh những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, sắp xếp lại bến bãi, chợ nổi, nhà hàng nổi; tham mưu để Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải tỏa đăng đáy cá, giải phóng luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải trên địa bàn Thành phố.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an thành phố Cần Thơ cũng thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông, công an các quận, huyện trên địa bàn Thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát. Từ đầu năm 2015 đến nay đã lập biên bản trên 18 nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, xử phạt hành chính hơn 17 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra, các hộ đã chấp hành tháo dỡ tương đối tốt các đăng, đáy, bè nuôi cá trên sông, nhất là trên tuyến sông Hậu.

Để đạt được mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, các ngành chức năng của thành phố Cần Thơ cũng đã xây dựng nhiều mô hình về giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó đã xây dựng và công nhận 15 bến khách ngang sông thành bến đò an toàn giao thông đường thủy. Ban An toàn giao thông các quận, huyện cũng tích cực xây dựng các mô hình đoạn, tuyến sông an toàn giao thông đường thủy, từ đó, kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy một cách rõ rệt. Điển hình như mô hình "Khu dân cư an toàn ven sông" thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Qua 4 năm thực hiện, từ địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông đường thủy, đến nay khu vực này đã trở thành địa bàn an ninh trật tự tốt, không còn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hậu, hạn chế sạt lở bờ sông tại khu vực Cồn Sơn.

Với mục tiêu gắn kết mạng lưới giao thông của thành phố Cần Thơ với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông trong và ngoài Thành phố, phát huy thế mạnh cạnh tranh của các loại hình vận tải khối lượng lớn, thành phố Cần Thơ đã có qui hoạch nạo vét các tuyến đường thủy quốc gia và một số tuyến quan trọng của Thành phố để phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế, hình thành các tuyến vận tải khu vực.

Theo qui hoạch điều chỉnh, để đầu tư hệ thống giao thông đường thủy và bến cảng nội địa, từ năm 2016 đến năm 2030 thành phố Cần Thơ cần kinh phí trên 1 nghìn tỷ đồng, trong đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Thành phố này cần trên 6 trăm tỷ đồng. Với việc điều chỉnh, đầu tư cho hệ thống giao thông đường thủy và bến cảng nội địa như trên, hệ thống giao thông thủy nội địa ở thành phố Cần Thơ mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường thủy, góp phần giảm áp lực vận chuyển tuyến đường bộ để kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy của Thành phố một cách bền vững./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực