Thành phố Thủ Đức là cửa ngõ Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, có diện tích tự nhiên 211,56 km2, dân số trên 1,2 triệu người. Địa bàn có khu Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Khu công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung I, II và Khu công nghiệp Bình Chiểu; Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức; gần 12.400 hộ có nhà trọ, nhà cho thuê. Với đặc thù như trên, đã thu hút một lượng người lao động từ các tỉnh đến làm ăn, sinh sống, học tập rất lớn, từ đó dễ phát sinh đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
|
Sự tham gia tích cực của người dân đã góp phần ngăn chặn các nhóm tội phạm “tín dụng đen”, xây dựng khu dân cư an toàn. (Ảnh: Lê Anh/Báo Đại Đoàn Kết) |
Thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp, trọng điểm về an ninh trật tự, TP Thủ Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý dân cư; chủ động nắm chắc tình hình, nhất là nắm các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự để chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành vụ việc phức tạp.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo 138 TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) xác định 5 địa phương là địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội để thực hiện công tác chuyển hóa, trong đó 02 địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm trật tự xã hội và tệ nạn xã hội gồm: phường Long Phước, Tăng Nhơn Phú B; 01 địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế và môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm gồm: phường Long Bình; 02 địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy gồm: phường Hiệp Bình Phước và phường Tam Bình.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 138 thành phố Thủ Đức cũng xác định công tác chuyển hóa và xây dựng địa bàn không tội phạm và tệ nạn về ma túy năm 2024 là một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện, đồng thời triển khai Kế hoạch số 322-KH/BCĐ138 thành phố Thủ Đức ngày 08/5/2024 về thực hiện chuyển hóa và xây dựng địa bàn không tội phạm và tệ nạn về ma túy năm 2024 trên địa bàn thành phố, trong đó mỗi phường lựa chọn 01 khu phố để xây dựng địa bàn không tội phạm và tệ nạn ma túy năm 2024 và đề ra 06 tiêu chí công nhận địa bàn không có tội phạm và tệ nạn về ma túy để các phường phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, nhất là địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được lựa chọn đưa vào chuyển hóa trong năm 2024 và các khu vực địa bàn giáp ranh, địa bàn có đông công nhân, người lao động tự do đang sinh sống và làm việc.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Thủ Đức phối hợp với Công an và các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban đại diện Hội Người Cao tuổi thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện chương trình phối hợp sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố phù hợp với đặc thù của từng tổ chức, đơn vị, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự đến 05 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được lựa chọn đưa vào chuyển hóa trong năm 2024 trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Qua đó, từng đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung hướng dẫn ngành dọc cấp dưới phối hợp tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, gắn với thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội với xây dựng phường điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo đảm trật tự đô thị, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu chuyển hóa địa bàn trong năm 2024 đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Trong đó, tập trung phối hợp vận động các đối tượng cá biệt và phát huy vai trò của các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, vận động đến người dân; thông qua việc phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong Nhân dân như nhóm mô hình “5+1” về “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội; Đội cán sự tình nguyện; Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ; Câu lạc bộ chủ nhà trọ phòng chống tội phạm; câu lạc bộ tuyên truyền phòng chống tội phạm; Xe loa tuyên truyền về an ninh trật tự; Dân phòng tự quản; Nhóm hộ tự quản về an ninh trật tự; Lắp camera giám sát tình hình an ninh trật tự tại địa bàn dân cư; Tổ tình nguyện vì an ninh trật tự tại chung cư; Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm… đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đoàn viên, hội viên, các tín đồ, tín hữu các tôn giáo, dân tộc và Nhân dân trên địa bàn thành phố.
Thông qua công tác phối hợp tuyên truyền vận động, trên địa bàn thành phố Thủ Đức hiện đang duy trì hoạt động với 21 mô hình về an ninh trật tự, phối hợp vận động xây dựng khu phố không có tội phạm ẩn náu, hoạt động trên địa bàn 34 phường. Từ đó góp phần cùng thành phố Thủ Đức chuyển hóa được nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, kiềm chế và kéo giảm tội phạm… Tình hình phạm pháp hình sự năm sau giảm hơn so với năm trước. Đồng thời, tập hợp được nhiều lực lượng tham gia, phát huy được tinh thần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm của người dân, gắn kết trách nhiệm giữa Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể và Công an từ thành phố đến phường.
Để đạt được những kết quả như trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, sự phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc xác định địa bàn trọng điểm và tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân; đa dạng hóa công tác tuyên truyền trên các trang Zalo, Facebook, fanpage của Mặt trận và các tổ chức thành viên từ thành phố đến phường, thu hút đông đảo người dân quan tâm theo dõi các thông tin tuyên truyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cảnh giác tự phòng ngừa tội phạm có lúc, có nơi chưa được thường xuyên sâu rộng đến từng hộ dân, hình thức tuyên truyền chưa thật thu hút sự quan tâm theo dõi của mọi tầng lớp nhân dân, do đó vẫn còn một số người dân còn chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng ngừa, bảo vệ, trông coi tài sản để đối tượng lợi dụng lừa đảo, trộm cắp tài sản.
Từ những hạn chế như trên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đề ra các giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới như sau:
Tiếp tục phối hợp Công an thành phố cùng các tổ chức thành viên đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác về các phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm hiện nay sâu rộng đến hộ gia đình; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm làm thất bại mọi âm mưu hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Hướng dẫn Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường xây dựng Kế hoạch phối hợp với Công an phường và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến hộ gia đình về các phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm hiện nay và thực hiện các chỉ tiêu chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được lựa chọn đưa vào chuyển hóa trong năm 2024.
Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình hiện có, bên cạnh đó từng thành viên Ban chỉ đạo phối hợp rà soát đánh giá lại những mô hình do tổ chức mình quản lý; đối với những mô hình hoạt động mang tính cầm chừng hoặc có đối tượng và nội dung sinh hoạt gần giống với các đoàn thể khác thì cần mạnh dạn đề xuất sáp nhập chung để đưa hoạt động của mô hình hiệu quả hơn hoặc đề xuất giải thể những mô hình hiện nay không còn phù hợp hoặc không hiệu quả, theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản, tự hòa giải tại cơ sở; xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự hoạt động sao cho có chất lượng và hiệu quả, gắn kết với việc xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đảm bảo an ninh trật tự.
Duy trì việc tổ chức công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình về an ninh trật tự trong công tác phòng, chống tội phạm do các tổ chức thành viên Ban chỉ đạo xây dựng và quản lý; kịp thời đề xuất biểu dương các mô hình hoạt động có hiệu quả, thu hút sự hưởng ứng của người dân tham gia, các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là trong phong trào phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn dân cư; Duy trì tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao và Ban quản lý Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để chia sẻ, tích hợp dữ liệu các camera trọng điểm trong các khu vực này, giúp Công an thành phố Thủ Đức giám sát an ninh trật tự tốt hơn, kịp thời phát hiện các vụ việc về an ninh trật tự, xử lý ngay từ đầu; duy trì giữ mối liên hệ tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện các đợt cao điểm hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới với các địa bàn giáp ranh./.