Trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Mặt trận trong công tác bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 21/07/2023 15:33
(ĐCSVN) – Hội nghị tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho cán bộ Mặt trận các cấp, từ đó tuyên truyền vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ngày 21/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ MTTQ các tỉnh phía Bắc năm 2023.

Mục đích của Hội nghị tập huấn lần này nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho cán bộ Mặt trận các cấp, từ đó tuyên truyền vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới.

 Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Đình Long nhấn mạnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đưa ra đánh giá: vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu năng lượng...

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó nổi bật là: Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020; các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một cách đồng bộ, kịp thời phục vụ triển khai thi hành Luật; Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022.

Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã triển khai thực hiện được hơn 2 năm. Theo đó, Luật đã đưa ra nhiều chính sách, từ cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021-2025, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện.

Trong khuôn khổ của Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương mình, nhất là xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trọng tâm là mô hình về thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư.

Đại biểu tham dự cũng đề cập tới những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai trong xây dựng mô hình điểm. Đặc biệt là kinh nghiệm để có thể nhân rộng một cách bền vững các mô hình hay, hiệu quả ra các địa phương khác và ra toàn quốc.

Cũng tại Hội nghị, đại biểu cũng đã đề cập tới kinh nghiệm trong triển khai công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và ngành tài nguyên và môi trường, các cơ quan chức năng trong triển khai Chương trình phối hợp số 05, nhất là trong công tác phản biện chính sách, giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về lĩnh vực tài nguyên, môi trường gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; về đánh giá sự hài lòng của người dân về môi trường sống; về xây dựng và nhân rộng các mô hình… Từ đó đề xuất kiến nghị về quan điểm, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từ cơ sở nhằm triển khai đạt hiệu quả thực chất trong thời gian tới./.

Hương Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực