Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:Phan Thảo)
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng hơn 60 đại biểu thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Nông và Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: Trong những năm qua, trật tự an toàn giao thông đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc. Để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật góp phần làm giảm tai nạn giao thông, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, phối hợp triển khai thực hiện đưa phong trào phát triển đến các cộng đồng dân cư trong cả nước và đã thu được kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin, qua phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, trên 70% số vụ xảy ra do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu bia... Để phát huy vai trò của mình, MTTQ các cấp cần xây dựng, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần tích cực hạn chế tai nạn giao thông trên từng địa bàn. Nêu rõ vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông….
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi ngày cả nước có 24 người chết (có trên 10.000 người chết và bị thương/năm) do tai nạn giao thông, ngoài ra còn để lại di chứng thương tâm tàn tật suốt đời, không những là gánh nặng cho gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Tai nạn giao thông không loại trừ bất kỳ người nào khi tham gia giao thông. Do đó, việc giải quyết tai nạn giao thông không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà là ý thức, trách nhiệm của xã hội và của mỗi người.
6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra trên 10.200 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 4.360 người, bị thương trên 8.900 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 952 vụ, giảm 116 người chết, giảm trên 1.200 người bị thương. Có 39 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Trà Vinh, Quảng Trị, An Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Gia Lai, Đà Nẵng, Nam Định, Cần Thơ.
Tham luận của các đại biểu tại Hội nghị đã chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt về công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Điển hình như tại Lâm Đồng, MTTQ các cấp gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các phong trào cụ thể như: “Đoạn đường tự quản an toàn giao thông”, “Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đồng hành thực hiện đảm bảo an toàn giao thông”…; tại tỉnh Phú Yên, MTTQ lồng ghép việc đảm bảo an toàn giao thông với các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông; tại tỉnh Khánh Hòa, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh xây dựng các mô hình như “Cổng trường an toàn giao thông”, "Tuyến đường tự quản”, "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”…
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng kiến nghị các địa phương cần tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông để người dân học tập; động viên những nguời có uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản để cùng tham gia phong trào bằng nhiều hình thức phong phú phù hợp với từng đối tượng; cần quan tâm đầu tư, phát triển nhanh hạ tầng giao thông; kiên quyết xử lý vi phạm, lập lại trật tự an toàn hành lang giao thông, nhất là xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán. …/.