Được phát động từ năm 2011, cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Ban An toàn giao thông TP, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các ngành liên quan đã nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước cũng như người nước ngoài đang làm việc và sinh sống trên địa bàn Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: KS)
Tiếp nối thành công của các cuộc thi lần trước, năm 2015 Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 203.368 bài dự thi ở cả hai nội dung thi viết và thi tìm hiểu, với chất lượng tốt, nội dung đa dạng. Đối tượng tham gia dự thi phong phú, đa dạng hơn như: Lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhà văn, lão thành cách mạng… Nhiều bài dự thi từ các trường đại học, THPT, THCS và cả tiểu học đã góp phần phản ánh những vấn đề thiết thực cho giao thông Thủ đô năm nay. Điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi ngày càng hấp dẫn hơn, có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ, lớp người làm chủ, thay đổi tương lai vận mệnh đất nước.
Đánh giá chất lượng các bài dự thi, Ban tổ chức cho biết, bài viết năm 2015 được nâng cao rõ rệt so với các năm trước, đa dạng, phong phú và nhiều ý tưởng hơn, nhiều đề tài mới, lạ được các tác giả chú trọng khai thác từ đó nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT; tăng cường trật tự, văn minh đô thị. Trong đó, nhiều bài viết, ý kiến đề xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông từ trong nhà trường đến ngoài xã hội. Các bài viết toát lên ý thức cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông và thượng tôn pháp luật trong việc tham gia giao thông. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giao thông của cuộc thi 2015 được phản ánh đa góc độ sắc cạnh, đầy đủ hơn các năm trước. Thông qua nhiều ý tưởng về giao thông của người dân đã giúp cho công tác bảo đảm an toàn giao thông của các cơ quan chức năng có tính thực tế, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, năm nay phần thi tìm hiểu pháp luật và văn hóa giao thông được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Với hơn 540 cơ quan, đơn vị trên toàn Thành phố tổ chức triển khai với hơn 200.000 bài dự thi. Trong đó, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức triển khai từ cấp sở, ngành, quận huyện đến cơ sở như Công an TP Hà Nội, Sở Giáo dục & Đào tạo, huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, Bộ Tư lệnh Thủ đô… Nhờ đó, số lượng bài dự thi của nhiều cơ quan, đơn vị có số lượng bài thi lớn như: Thị xã Sơn Tây 12.460 bài, huyện Quốc Oai 5.278 bài, hệ thống các trường học các cấp của ngành giáo dục Hà Nội khoảng trên 150.000 bài, các đơn vị trực thuộc Công an TP và Công an các quận huyện khoảng gần 7.000 bài; Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đóng chân trên địa bàn Thủ đô trên 8.000 bài… Một số đơn vị cơ sở có bài thi nhiều như: Ban chỉ huy quân sự thị xã Sơn Tây 3.183 bài thi, trường Tiểu học Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì 3.175 bài thi, trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình 2.146 bài, trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy 2.088 bài, trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân 2.060 bài…
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng biểu dương những cố gắng mà Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo cuộc thi, biểu dương báo Kinh tế & Đô thị, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, Văn phòng Ban An toàn Giao thông Thành phố trong việc đồng hành cùng Thành phố góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đại diện Ban tổ chức trao giải Nhất cho Thạc sĩ Trần Đức Tuấn với tác phẩm
"Bỏ quên quy hoạch giao thông ô bàn cờ" (Ảnh:KS)
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng nêu rõ, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 toàn Thành phố giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc và không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương). Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu đó, công tác tuyên truyền được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần để người dân đồng thuận và nâng cao ý thức pháp luật khi tham gia giao thông và thực hiện xây dựng văn hóa giao thông. Để cuộc thi ngày càng tạo được uy tín xã hội và đáp ứng được yêu cầu của Thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đề nghị Ban tổ chức đa dạng hóa hình thức dự thi, đổi mới phương thức thi tìm hiểu về An toàn giao thông nhằm thu hút nhiều đối tượng tham gia hơn, nhất là tổ chức thi trên internet, mạng xã hội.
Kết quả, trong số 70 tác phẩm lọt vào vòng chung kết, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 19 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô”. Trong đó, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho Thạc sĩ Trần Đức Tuấn với tác phẩm "Bỏ quên quy hoạch giao thông ô bàn cờ" cùng với 2 giải Nhì; 5 giải Ba và 11 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao các giải tập thể, cá nhân cho nội dung thi “Tìm hiểu pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông". /.