Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện

Thứ tư, 30/12/2015 17:31
(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải. Thực tế cho thấy, sau 2 năm thực hiện, vấn nạn xe quá tải đã được xử lý nghiêm cùng những giải pháp đi vào gốc rễ.

Năm 2015, công tác kiểm soát tải trọng xe đã triển khai quyết liệt, đồng bộ (Ảnh: KS)

Siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện

Từ năm 2014 đến nay, xác định gốc của tai nạn giao thông là hoạt động vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tham mưu cho Chính phủ lấy chủ đề năm ATGT là Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó, hai ngành Công an và GTVT đã triển khai quyết liệt các biện pháp cụ thể như: Đưa vào hoạt động 63 trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu thông theo chế độ 24/24 giờ, 7 ngày/tuần và tích hợp dữ liệu qua phần mềm giám sát quản lý dữ liệu tải trọng xe.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, từ ngày 1/1/2015 đến 21/10/2015, các trạm KTTTX trên cả nước đã tiến hành dừng kiểm tra 387.017 xe, trong đó có 37.251 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 9,6%; hạ tải 66.500 tấn hàng, tước 12.247 giấy phép lái xe, xử phạt và nộp kho bạc Nhà nước 200 tỷ đồng. Về xử lý xe cải tạo trái phép kích thước thùng xe chở hàng: Tổng cục  Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT  đã trực tiếp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm kích thước thùng xe. Tính từ đầu tháng 8/2014 đến ngày 31/8/2015, Thanh tra các Sở GTVT đã cắt thùng chở hàng đối với 5.926 xe, chủ xe cam kết tự cắt 4.020 xe. Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Cục Quản lý đường bộ đã kiểm tra 2.022 xe, trong đó, số xe vi phạm kích thước thành, thùng là 344 xe, vi phạm khác là 88 xe, xử lý cắt tại chỗ 85 xe.

Đến thời điểm hiên tại, Bộ GTVT đã ủy quyền Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với 63 địa phương tổ chức cho 3.044 doanh nghiệp đầu nguồn ký cam kết không xếp hàng lên xe quá trọng tải. Ngoài ra, đoàn thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện tại 83 đầu mối bốc xếp hàng hóa trọng điểm (cảng, bến, nhà ga, mỏ vật liệu…) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Qua kiểm tra, thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân có hành vi xếp hàng lên xe vượt quá tải trọng.

Đánh giá về tình hình kiểm soát tải trọng phương tiện năm 2015, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, là năm thứ 2 Chính phủ xác định chủ đề của năm là Siết chặt quản lý kinh doanh vận và kiểm soát  tải trọng phương tiện, do vậy các giải pháp mà Bộ, ban ngành, địa phương thực hiện đã tập trung vào nguyên nhân gốc của tai nạn giao thông là hoạt động vận tải. Qua đó số vụ, số người chết và số người bị thương, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, kiểm soát tải trọng xe còn nhiều hạn chế, trong đó tình trạng vi phạm chở quá tải trọng vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu, có đường biên giới; còn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiêu tái diễn tại một số địa phương chưa bị các cơ quan chức năng xử lý… Đây là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Tăng cường hiệu quả quản lý trong thời gian tới

Đứng trước thực tế này, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, chú trọng các giải pháp ngăn chặn vi phạm từ gốc; tăng cường sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, kiểm soát tải trọng từ khâu xếp hàng lên xe; kiểm soát chặt việc thực hiện quy định về kích thước thành, thùng xe; giám sát, xử phạt nghiêm.

Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe; tổ chức đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực kiểm tra tải trọng xe. Đặc biệt, kiên quyết chấm dứt tình trạng xe ô tô vi phạm chở hàng quá tải tham gia giao thông; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu xảy ra tình trạng phương tiện vi phạm lưu thông trên địa bàn.

Lực lượng chuyên trách của ngành Giao thông kiểm soát tại các đầu mối xếp hàng. Tại các trạm cân xe, liên ngành thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện nghiêm túc kiểm soát tải trọng phương tiện, thời gian hoạt động tại trạm 24/24 giờ và 7 ngày/tuần; nâng cao hiệu quả phát hiện xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GTVT cũng phối hơp với Thanh tra Bộ Công an kiểm tra đột xuất hoạt động của lực lượng liên ngành tại trạm cân; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm mọi trường hợp người thực thi công vụ có hành vi dung túng, bao che, tiếp tay cho những tổ chức, cá nhân vi phạm về tải trọng phương tiện.

Đặc biệt, từ ngày 21/11/2015 đến ngày 20/1/2016, liên Bộ Công an - GTVT và các địa phương sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện của các đơn vị, địa phương để thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện.

Theo ông Khuất Việt Hùng, công tác kiểm soát tải trọng xe có những kết quả bước đầu, ngoài sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, các cơ quan chức năng còn có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông. Do đó, ông Khuất Việt Hùng đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành tốt hơn nữa với ngành GTVT nói riêng và cả hệ thống chính trị để phát hiện, phản ánh hiện tượng này hiệu quả hơn nữa./.

  Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực