|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: KT. |
Ngày 21/2, tại Bắc Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Việc trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động và gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình đô thị hóa, thì công tác bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng, góp phần cho sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thông điệp của Chương trình ngày hôm nay một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hành động hiện thực hóa cam kết của Việt Nam và gần 150 quốc gia đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại các Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) và hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái 2021-2030” do Liên Hợp quốc phát động nhằm ngăn chặn sự suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái ở quy mô toàn cầu.
Để tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng, góp phần hoàn thành các mục tiêu trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các cấp, các ngành và cộng đồng hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu xuân, vì một Việt Nam xanh, an toàn và phát triển nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng, phong trào Tết trồng cây năm 2024 sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ các giá trị tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu cùng với quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh trồng 30 triệu cây phân tán và 40 nghìn ha rừng tập trung.
Đến nay, tỉnh đã trồng được gần 19 triệu cây phân tán và 30 nghìn ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,8%. Công tác quản lý, phát triển, bảo vệ rừng được quan tâm thường xuyên, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm dần.
|
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu tham gia trồng cây tại Lễ phát động. Ảnh: KT |
Bắc Giang đã hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến với tổng diện tích hơn 80 nghìn ha; sản lượng gỗ khai thác hằng năm đạt trên 1 triệu m3. Giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ sau chế biến hằng năm đạt trên 2 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, hưởng ứng lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về lợi ích to lớn của việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, tạo thành phong trào sâu rộng để "nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng”.
Đồng thời, vận động mỗi người trồng 1 đến 2 cây ở những nơi đất trống, ven đường, vườn nhà, trường học, công sở gắn với phát triển kinh tế xanh, bền vững, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và làm cho cảnh quan thiên nhiên Bắc Giang ngày càng tươi đẹp hơn.
Trong dịp này, Ban Tổ chức tiến hành trồng 100 cây lâu năm, bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế và tạo cảnh quan môi trường cao như: lát hoa, sao đen, chò chỉ, trám, nhội và cây hoa, cây ăn quả... Việc phát triển, trồng cây xanh góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu - một vấn đề mang tính toàn cầu./.