Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên- Ý thức chấp hành luật” Tại buổi giao lưu các khách mời đã tập trung đánh giá các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hiệu lực thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông với giới trẻ; Xây dựng diễn đàn tăng cường đối thoại, trao đổi về chính sách, pháp luật về giao thông với cử tri…
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Trong thời gian qua, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tai nạn giao thông đối với trẻ em có xu hướng gia tăng. Năm 2015, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em tại Hà Nội tăng cả 3 tiêu chí, học sinh THPT là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em. Đối với TP Hồ Chí Minh, số học sinh tử vong do TNGT cũng tăng nhanh, năm 2013 có 35 học sinh tử vong, năm 2014 tăng lên 61 học sinh, 2015 có đến 111 học sinh tử vong. Học sinh THPT bị tai nạn giao thông và tử vong cao, chiếm 75% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em.
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2016, số vụ tai nạn giao thông đối với người từ 18 đến 27 tuổi chiếm 33,9% tổng số vụ tai nạn giao thông. Tình trạng vi phạm pháp luật an toàn giao thông đối với học sinh còn phổ biến, như đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh lạng lách, chở quá số người quy định diễn ra tương đối phổ biến cũng là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tình trạng thanh niên uống rượu bia vẫn điều khiển xe mô tô cũng là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với giới trẻ.
Chính vì vậy, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã chọn chủ đề năm ATGT 2017 là "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi", với tinh thần "Tính mạng con người là trên hết" nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho giới trẻ, giảm vi phạm cũng như giảm tai nạn giao thông cho đối tượng này.
Trong năm 2017, Ủy ban ATGT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều các hoạt động từ công tác chỉ đạo đến công tác triển khai, tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT tới mọi đối tượng, nhất là cho thanh, thiếu niên theo ông Dương Minh Tuấn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa học lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông; có chiến lược truyền thông về văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội...
Đại biểu tham gia giao lưu
Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: việc nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông cho thanh thiếu niên cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Cảnh sát giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức xã hội để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các em học sinh bằng nhiều hình thức như xây dựng các phong trào, tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông phù hợp với từng cấp học. Đối với đoàn viên, thanh niên, sinh viên được tham gia “Sinh viên với kỹ năng lái xe an toàn”; Hội thi “Thanh niên với văn hóa giao thông”; học sinh THCS với cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; “Chúng em với văn hóa giao thông”; Học sinh tiểu học được tham gia chương trình “Vẽ tranh về ATGT”; “Doraemon với ATGT”, “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”… Thông qua sân chơi đó để lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về ATGT, góp phần nâng cao văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên, cũng như lan tỏa ý nghĩa tích cực của các hoạt động này trong cộng đồng...
Các đại biểu tham dự giao lưu trực tuyến đều khẳng định: Để xây dựng văn hóa giao thông, thì việc nâng cao hiểu biết pháp luật về ATGT, tự giác giữ gìn kỷ cương và tuân thủ đạo đức xã hội trong tham gia giao thông của thanh, thiếu niên là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Từ đó, góp phần giúp các em xác định rõ trách nhiệm, phát huy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc thực hiện pháp luật về giao thông, tích cực tham gia các hoạt động hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông./.