Xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp

Thứ ba, 17/10/2023 09:21
(ĐCSVN) - Tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội

Sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao 

Chính phủ đã gửi tới Quốc hội báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Tại báo cáo, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chính phủ cho biết đã rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề và liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện, riêng Ủy ban quốc gia về trẻ em năm 2021-2022 đã kiểm tra liên ngành tại 06 địa phương. Kết quả đã thực hiện 7.372 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em ở các cấp.

 Sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao (Ảnh: IN)

Đặc biệt, Ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các chương trình, đề án, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em. 63/63 địa phương đã bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em, một số địa phương bố trí kinh phí tăng hằng năm...

Tuy nhiên, theo báo cáo, tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Từ năm 2020-2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân ; tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình có xu hướng tăng (năm 2020 chiếm 5,55%; năm 2021 chiếm 5,98%; năm 2022 chiếm 7,5%). Sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao (năm 2022 là 421 vụ tăng 1,45% so với năm 2020). 

Đáng chú ý là một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là thủ phạm (cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế, giáo viên, bảo mẫu trong các cơ sở trong giữ trẻ ngoài công lập chưa được cấp phép hoạt động)...

Làm rõ trách nhiệm từng cấp để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho biết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục kiến thức, kỹ năng, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và nhân rộng chương trình giáo dục làm cha mẹ.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội
( Ảnh: HV) 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em; đánh giá việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định về công tác xã hội; xây dựng và ban hành quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chính sách trợ giúp nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng và triển khai các mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp và tăng cường công tác phối hợp liên ngành về: thực hiện quyền trẻ em, công tác trẻ em và gia đình, thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ và trẻ em bị xâm hại.

Đặc biệt, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em; làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị không chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ trẻ em, để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em.../.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực