Xây dựng và lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa tại khu dân cư

Thứ bảy, 07/12/2024 15:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, để tiếp tục nâng cao hiệu quả truyền thông, tiến tới thay đổi hành vi giảm thiểu chất thải nhựa, thời gian tới, các địa phương, Sở ngành cần tuyên truyền và xây dựng nhân rộng mô hình điểm; xây dựng và lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa tại khu dân cư, khu vực công cộng, các doanh nghiệp, các siêu thị và các chợ.
 Hội nghị đánh giá công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu nhựa theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Lan Anh

 Sáng 6/12, tại Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội nghị đánh giá công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu nhựa theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT thông tin: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra môi trường lớn trên thế giới. Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Trong đó, có các giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về hạn chế sử dụng rác thải nhựa, nhiều mô hình, sáng kiến xử lý rác thải nhựa đã ra đời và áp dụng có hiệu quả trong đời sống. Bộ TN&MT xác định, công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thực hiện lộ trình giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, thực hiện Đề án Netzero, quản lý chất lượng ô nhiễm không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Trung tâm Truyền thông TN&MT, từ năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và khuyến khích hành vi cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon, thời gian qua Trung tâm Truyền thông TN&MT đã xây dựng các ấn phẩm, sổ tay truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông cũng như tổ chức nhiều hội nghị, cuộc thi, triển lãm về giảm thiểu rác thải nhựa tại nhiều địa phương….

Qua đó, các cơ quan, đơn vị, người dân và các tiểu thương, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên cả nước đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông dùng một lần; hướng đến sử dụng các sản phẩm thay thế, xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường...

Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền “chống rác thải nhựa”,huy động được sự tham gia của cộng đồng, dân cư và xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa như Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng…..

Tuy nhiên, ông Cao Minh Tuấn cũng cho rằng, tính bền vững của một số mô hình và phong trào về chống rác thải nhựa hiện nay không cao do không có kinh phí để duy trì. Ngoài ra, tính tiện dụng của túi nilon và sản phẩm thân thiện môi trường chưa đa dạng, không bền, giá thành cao nên vẫn chưa thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân. Nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm rác thải nhựa còn hạn chế, đặc biệt các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá, thuế và ưu đãi về vốn đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bao bì, túi thân thiện với môi trường.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả truyền thông, tiến tới thay đổi hành vi giảm thiểu chất thải nhựa, thời gian tới, các địa phương, Sở ngành cần tuyên truyền và xây dựng nhân rộng mô hình điểm; xây dựng và lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa tại khu dân cư, khu vực công cộng, các doanh nghiệp, các siêu thị và các chợ./.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực