Xứng danh người lính cụ Hồ “tàn nhưng không phế”

Thứ bảy, 22/07/2023 14:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 22/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Buổi họp mặt ấm cúng, trang trọng có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo và 81 đồng chí thương binh và gia đình. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến những tinh thần lạc quan, kiên cường của các đồng chí thương binh; sự tận tụy chăm lo của gia đình và các ban ngành đoàn thể và được nghe những câu chuyện vô cùng xúc động.
Chú Trần Ngọc Nam chia sẻ cảm nghĩ của mình tại họp mặt. (Ảnh: BTC)

Câu chuyện về chú Trần Ngọc Nam; sinh năm 1967, đang sinh sống tại Phường 11, Quận 3. Chú là thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Được sự giúp đỡ của địa phương 01 xe bán cà phê tại nhà; vợ làm bảo mẫu, con đang học lớp 10. Ngoài việc buôn bán, phụ giúp gia đình, chăm lo cho con ăn học, chú còn tham gia làm Tổ phó Tổ dân phố, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Là thương binh, nhưng với tinh thần của người lính bộ đội Cụ Hồ, trong thời gian Thành phố phòng chống dịch, chú đã tham gia rất nhiệt tình, từ vận chuyển hàng hoá đến trích phần phụ cấp ít ỏi để mua sách giáo khoa trao tặng cho các cháu bị mồ côi. Hàng năm chú được trao tặng danh hiệu người tốt việc tốt. Chú chia sẻ, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, nhưng vẫn cố gắng để làm những việc có ích cho xã hội. Chú nói với con của mình: “Tài sản bố để lại cho con là những giấy khen này. Để con thấy bố tàn nhưng không phế, vẫn đóng góp được nhiều cho xã hội”.

Chú Trần Văn Tản, thương binh ¼ đặc biệt nặng trở về từ Chiến trường Campuchia. (Ảnh: BTC)

Hay câu chuyện của chú Trần Văn Tản, ngụ tại Quận 4. Là thương binh ¼ đặc biệt nặng trở về từ Chiến trường Campuchia, chú Trần Văn Tản, đã để lại đôi mắt của mình ở chiến trường. Trở về với gia đình, cuộc sống lại một lần nữa đặt lên vai chú trách nhiệm nặng nề. Chú một mình nuôi 02 con trai học hành; chú tham gia hoạt động ở tại địa phương Quận 4 với vai trò là Chủ tịch Hội người mù Quận 4. Chú tâm sự: “Khi trở về từ chiến trường Campuchia và bị mù cả hai mắt, tôi rất khó khăn mới có thể hòa nhập lại với cuộc sống, nhưng thiết nghĩ mình còn may mắn hơn rất nhiều các anh em, đồng đội nằm lại ở chiến trường không được trở về. Tôi thấy mình có trách nhiệm và phấn đấu để thấy rằng mình tàn nhưng không phế, tôi tham gia các hoạt động ở địa phương, giúp đỡ cho những người có cùng hoàn cảnh không may mắn, không còn thấy ánh sáng”. Quận 4 đã thành lập 1 câu lạc bộ thương binh nặng để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, dạy dỗ con cái đàng hoàng thành tài. Trăn trở trước việc tạo công ăn việc làm cho người mù, chú cùng câu lạc bộ đã phối hợp vận động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ việc làm cho hội viên. Mong muốn của chú là với Nghị quyết 98 về chính sách đặc thù phát triển Thành phố, Thành phố sẽ vượt lên hơn nữa để “đi trước, về trước”, đặc biệt quan tâm chăm lo cho Nhân dân. “Tôi cũng kêu gọi anh em diện chính sách sẽ luôn tin tưởng với sự lãnh đạo và phát triển của Thành phố, từ đó sẽ có thêm nhiều điều kiện để chăm lo cho các gia đình chính sách”, chú nói.

Cô Lê Hồng Ngọc chia sẻ câu chuyện và gửi lời cảm ơn các cấp ban , ngành đoàn thể luôn sẵn sàng hỗ trợ, quan tâm chia sẻ với gia đình. (Ảnh: BTC)

Và có lẽ, không ai có thể kìm được xúc động khi nghe câu chuyện của người vợ thủy chung, tảo tần Lê Hồng Ngọc của thương binh Nguyễn Hải Quý. Chú Quý bị thương trong một lần công tác với tỷ lệ thương tật 92% liệt 02 chi dưới khi đó cô Ngọc còn rất trẻ mới ngoài 20 tuổi, nhưng cô vẫn quyết định tạm dừng công việc giáo viên mầm non để chăm sóc cho chú. Biết bao khó khăn nhưng rồi tình yêu của cô chú và sự giúp đỡ của địa phương đã là động lực để cô chú cùng nắm tay nhau vượt qua tất cả. Hơn 38 năm nay, cô luôn chăm sóc chồng rất chu đáo, tận tụy, sạch sẽ.

Cô kể lại, năm 1983, chú Quý nhập ngũ, về Quân đoàn 4, Sư đoàn 7, Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 5 (Tiểu đoàn bộ). Năm ấy, chiến trường biên giới Tây Nam bước vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt, chú được cử sang Campuchia phục vụ chiến trường. Trong một lần hành quân, xe vận tải cùng vũ khí tiến vào căn cứ giặc, đơn vị chú lọt vào trận địa phục kích của lính Pôn-Pốt, xe cán phải mìn do lính Pôn-Pốt đặt, đồng chí lái xe chết liền tại chỗ, chiếc xe đứt lìa làm đôi, cả đơn vị hy sinh hết. Còn chú Quý, sức công phá của quả mìn quăng anh lên trên cao 30m rồi rơi xuống một hố sình, bùn lầy chôn sống từ phần chân ngập đến cổ, chỉ chừa phần đầu chú. “Đồng đội đi tìm xác anh - Anh vẫn còn sống”- Chị xúc động nói. Trải qua nhiều giai đoạn vận chuyển, tránh mưa bom bão đạn, chú hôn mê bất tỉnh với vết thương quá nặng. Kết quả Giám định y khoa: Bể cột sống đứt tủy, liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ trăn, trọng thương nặng cột sống thân sau và bể xương chậu do mìn.

Cô Ngọc nói đã đi tìm chồng nhưng chú Quý từ chối không muốn gặp vì lý do sợ vợ khổ nhưng cô đã trả lời mạnh mẽ: “Không thể vì anh bệnh tật mà em bỏ anh đi, chỉ nghĩ cho riêng em. Em sẽ là người vợ trọn tình, trọn nghĩa, sẽ ở bên anh chăm sóc anh chu đáo tận tình”. Bởi tình yêu thương dành cho nhau, dù bác sĩ chẩn đoán chú Quý chỉ sống được 5 năm nhưng hai vợ chồng đã sống với nhau đến ngày hôm nay là 38 năm.

Và chắc chắn, còn rất nhiều những tấm gương vượt khó, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về tinh thần quả cảm, kiên cường, gương lên vượt khó, tham gia xây dựng phát triển đất nước.

Trong phát biểu tại họp mặt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã dành sự trân trọng và tri ân các đồng chí thương binh, gia đình chính sách: “Dù trong hoàn cảnh nào, các đồng chí thương binh và gia đình luôn sống chí tình chí nghĩa với bà con lối xóm, phát huy tinh thần người lính bộ đội cụ Hồ, tàn nhưng không phế, nuôi dạy con cái đàng hoàng, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo cho xã hội”

Đồng chí Nguyễn Văn Nên gửi những phần quà ý nghĩa đến các đồng chí thương binh và gia đình. (Ảnh: BTC)

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị ngành lao động Thương binh và xã hội của thành phố phối hợp với Hội cựu chiến binh và Bộ Tư lệnh thành phố cũng như các cơ quan hữu quan đăng ký công trình thi đua hướng tới 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với quyết tâm giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng chính xác, kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực