Mô hình "Kho thóc khuyến học" là sáng kiến của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nhằm khắc phục khó khăn, vận đồng con em đồng bào dân tộc thiểu số tới trường hiện đã đem lại hiệu quả cao, góp phổ cập được giáo dục mầm non và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học trên địa bàn.
Đây là cách làm hay cần được nhân rộng không chỉ đối với tỉnh Yên Bái mà còn có thể áp dụng rộng khắp trên toàn quốc, nhất là đối với vùng cao, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Kho thóc khuyến học huyện Trạm Tấu được hình thành từ năm 2011 tại xã Trạm Tấu. Ban đầu, UBND xã và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trạm Tấu đã phát động nhân dân trong xã mỗi hộ góp 15 kg thóc/năm ủng hộ những học sinh nghèo trong xã để các em vượt khó tới trường. Khi nhân thấy hiệu quả thiết thực của việc làm này, tại Hội nghị BCH lần thứ XIV Huyện uỷ Trạm Tấu đã thống nhất xây dựng mô hình điểm tại các xã Trạm Tấu, Hát Lừu và Bản Công để nhân rộng ra toàn huyện.
Mặc dù mới thực hiện từ tháng 7/2012 nhưng chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía người dân và hiệu quả đã vượt ngoài mong đợi. Đến nay, kho thóc khuyến học đã được phủ rộng ra toàn huyện. Có được kết quả này, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều"... để mọi người đồng tâm, hiệp lực giúp trẻ em nghèo là con em đồng bào dân tộc thiểu số được cắp sách tới trường.
Đây chính là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nâng cao dân trí để xoá đói giảm nghèo nên đã được các tầng lớp nhân dân ủng hộ rất nhiệt tình.
Chỉ riêng năm học 2012 - 2013 toàn huyện đã nhận được gần 18 tấn thóc và 180 triệu đồng. Đáng lưu ý là trong quá trình phát động huyện Trạm Tấu đã xây dựng kỹ phương án để việc sử dụng quỹ đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Toàn bộ số tiền, thóc thu được tại các xã, huyện giao cho Hội khuyến học xã hỗ trợ học sinh nghèo tại xã mình. Riêng đối với số tiền ủng hộ của cán bộ, công nhân và nhân dân ở huyện được giao cho Hội khuyến học huyện quản lý để điều phối thu cho trong huyện theo đúng mục đích, đúng đối tượng để hỗ trợ có hiệu quả.
Đồng chí Mùa A Ninh - Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Xà Hồ khẳng định: Việc xây dựng Kho thóc khuyến học trong xã không chỉ tạo điều kiện về vật chất đối với học sinh, tiếp thêm nguồn lực để những trò nghèo vùng cao yên tâm học tập mà còn tạo lên sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân địa phương đối với sự nghiệp “trồng người”. Người dân cũng đã hiểu việc học tập của con em mình là quan trọng và có phần trách nhiệm của mỗi phụ huynh học sinh nên đồng bào nhiệt tình hưởng ứng.
Còn thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Trạm Tấu cho biết: Hiện nhà trường có 200 học sinh bán trú ăn, ngủ tại trường. Trước đây, dù được gia đình đóng góp và có sự hỗ trợ của Nhà nước với học sinh thuộc diện con hộ nghèo nhưng mùa giáp hạt, học sinh vẫn nghỉ học nhiều. Đến nay, nhờ có kho thóc nên lúc giáp hạt, các em vẫn đi học đều. Tỷ lệ học sinh chuyên cần trước đây là 70% - 75% thì nay đã đạt 93% - 98%.
Đáng phấn khởi hơn là kho thóc đã giúp cho nhiều gia đình có từ 3 đến 5 con cùng một lúc đều được học tiểu học và trung học cơ sở trong mô hình trường Bán trú dân nuôi (BTDN). Học sinh bán trú có thêm điều kiện tập trung học tập vì không phải phụ giúp công việc gia đình. Các cháu ở bán trú là môi trường tốt để hình thành lối sống tập thể, tự lập đồng thời có điều kiện học tập tốt hơn nhờ thầy cô kèm cặp ngoài giờ và được xem ti vi, đọc sách ở thư viện. Mô hình trường BTDN và Kho thóc khuyến học ở xã Trạm Tấu đã giúp cho địa phương có những con số thật ấn tượng: tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 98%; có 100% học sinh tiểu học học tiếp trung học cơ sở; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có từ 60% - 70% được học tiếp trung học phổ thông. Kho thóc khuyến học ở Trạm Tấu đã trở thành yếu tố quan trọng để ươm mầm trí tuệ trên mảnh đất vùng núi cao đặc biệt khó khăn này. Đây còn là động lực cốt yếu để Trạm Tấu phát triển nhanh và bền vững./.