Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là chìa khóa dẫn đến thành công

Thứ sáu, 27/09/2024 11:05
(ĐCSVN) - GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là mối quan tâm xuyên suốt của các quốc gia khi xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là chìa khóa dẫn đến thành công.

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”. 

Hội thảo khoa học được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, năm 2024 là năm cả nước đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, chuẩn bị xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

 GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu đề dẫn.

Phát biểu đề dẫn, GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội là mối quan hệ giữa 3 thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình phát triển, các quốc gia đều phải phân định hợp lý vai trò, chức năng của 3 thành tố Nhà nước, thị trường, xã hội và mối quan hệ giữa 3 thành tố đó nhằm hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh của từng thành tố, tạo nên sức mạnh tổng thể trong việc khai thác các nguồn lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. 

Ở Việt Nam, việc nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ”, “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế;… thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp… phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường”; “Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém”. “Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên;… phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn”, trong đó có mối quan hệ giữa “Nhà nước, thị trường và xã hội”.

Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. An sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nâng tầm, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Quang cảnh Hội thảo. 

Việt Nam đi đầu trong thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển bền vững, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo…

“Đó là kết quả của việc đổi mới tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về vai trò, chức năng của Nhà nước, của xã hội cũng như thực tiễn điều hành, giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, xã hội… Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là mối quan tâm xuyên suốt của các quốc gia khi xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là chìa khóa dẫn đến thành công”, GS, TS. Lê Văn Lợi khẳng định.

Nhằm tìm kiếm những giải pháp hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới, tại Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề: Cơ sở khoa học của mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Quá trình đổi mới tư duy của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội và quan điểm của Đảng tiếp tục hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo đối với Việt Nam; Phân tích đánh giá thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, thể chế trong giải quyết mối quan hệ này, chỉ rõ thành công và hạn chế và nguyên nhân, nhận diện những vấn đề đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế giải quyết mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội; Đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực