Đề xuất Bộ Nội vụ là cơ quan kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Thứ hai, 08/08/2022 15:56
(ĐCSVN) - Dự thảo Nghị định hướng dẫn kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã đề xuất thống nhất Bộ Nội vụ là cơ quan thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Bộ Nội vụ cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó có nội dung: “Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ: Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.

Bên cạnh đó, tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã giao: “Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, lộ trình, nội dung thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trên cơ sở đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu, từng bước phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực khi đủ điều kiện (thực hiện từ năm 2018)”.

Mặt khác, khoản 6 Điều 1 bổ sung Điều 39 của Luât Cán bộ, công chức của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức “Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả”.
 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐH)

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc kiểm định phải đảm bảo nguyên tắc việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật. Thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được công khai, tạo cơ hội cho tất cả thí sinh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được tham gia kiểm định.

Bộ Nội vụ cho biết, với việc phân cấp tuyển dụng công chức hiện nay, các cơ quan tuyển dụng phải trực tiếp tổ chức thực hiện vòng 1 kỳ thi dẫn đến việc lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực trong quá trình tuyển dụng công chức. Mỗi lần tuyển dụng tại bộ, ngành và địa phương, các nội dung vòng 1 kỳ thi đều phải thực hiện lại từ đầu (như: thuê các chuyên gia xây dựng, thẩm định bộ câu hỏi, thuê phần mềm tổ chức thi, thuê địa điểm tổ chức, thành lập Hội đồng và các ban giúp việc, tổ chức chấm thi cho 3 môn). Việc này gây tốn kém về ngân sách và huy động số lượng người tham gia rất lớn.

Bên cạnh đó, trong không ít trường hợp khi tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng nhận được số hồ sơ không lớn, nguồn tuyển bị hạn chế, chất lượng không đồng đều nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình vòng 1, chi phí cho việc thi vòng 1 trên 1 thí sinh rất cao mà lệ phí thi khó có thể bù đắp được và có những nơi số lượng người tham gia thi vòng 1 rất đông nhưng chỉ tiêu ít, dẫn đến việc lãng phi nguồn nhân lực khi không thể để những người đã đạt vòng 1 đó được tham gia các kỳ tuyển dụng khác hoặc do các bộ, ngành, đia phương khác tổ chức. Do đó, việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì mỗi bộ ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được các chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước. Các chi phí giảm bao gồm chi phí về tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển. Hoạt động kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ nâng cao về hiệu quả tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng công chức sẽ có thụ hưởng các lợi ích: Nguồn tuyển lớn từ nguồn thí sinh đạt điều kiện kiểm định thay vì giới hạn từ các thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất trở thành công chức; Giảm chi phí trong tổ chức tuyển dụng công chức; Rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức; Nguồn dự tuyển luôn chủ động từ các thí sinh có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì phụ thuộc vào nguồn dự tuyển từ thông báo tuyển dụng của cơ quan; Mặt khác, khi các cơ quan đơn vị tuyển dụng không phải lo vòng 1 sẽ có thời gian tập trung nâng cao chất lượng để tuyển dụng công chức vào làm việc. Do đó, xét về tổng thể, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức không những không phát sinh thêm chi phí mà còn có thể tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước.

Vì vâỵ, tại dự thảo Nghị định đã đề xuất thống nhất Bộ Nội vụ là cơ quan thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Cũng theo dự thảo, trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, Bộ Nội vụ phải ban hành kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, số lần tổ chức kiểm định trong năm, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm định; đồng thời công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.../.

 

 
 
Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực