Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở địa phương

Thứ hai, 20/06/2022 09:45
(ĐCSVN) – Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, tại nhiều địa phương trong cả nước, Ban thường vụ các tỉnh ủy, huyện ủy, thành ủy đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Cà Mau: Đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau tăng cường chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp theo tinh thần Kế hoạch số 90-KH/TU, ngày 30/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022. Các cơ quan báo chí chú trọng tuyên truyền những mô hình mới, cách làm sáng tạo; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước với định hướng nội dung sáng tạo. 

 Tọa đàm góp ý hoàn thiện cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau, giai đoạn 1930 - 2015".

Ảnh: camau.dcs.vn

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại, công tác tuyên truyền được tiến hành với nhiều nội dung, hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nhất là trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 10 năm, giai đoạn 2021-2030 theo định hướng vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh gắn với nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để tạo không khí phấn khởi, thi đua chào mừng các ngày lễ trọng đại và sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh Cà Mau. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần đổi mới cả về nội dung và hình thức, đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch COVID-19 và thực tiễn ở địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, không chỉ tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, mà còn cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, đồng lòng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Kon Tum: Chú trọng phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo, hướng đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Đảng bộ và chính quyền huyện Đăk Glei đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và tổ chức Đảng trực thuộc.

Huyện Đăk Glei có 11/12 xã, thị trấn thuộc diện khó khăn; trong đó có 3 xã biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số. Huyện hiện có 49 tổ chức cơ sơ Đảng trực thuộc Huyện ủy với hơn 2.700 đảng viên đang sinh hoạt; trong đó có 1.807 đảng viên là người dân tộc, chiếm 66,11% đảng viên toàn Đảng bộ; 886 đảng viên là nữ và 143 đảng viên tôn giáo.

Trong công tác phát triển đảng viên, huyện Đăk Glei luôn chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại thôn, làng; từ đó tạo điều kiện để tổ chức cơ sở Đảng phát hiện những quần chúng ưu tú, tiếp tục bồi dưỡng, phát triển đảng viên.

Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei A Phương khẳng định: Huyện ủy luôn đặc biệt chăm lo, củng cố và phát triển đảng viên ở các chi bộ có nhiều đảng viên cao tuổi, độ tuổi trung bình của đảng viên trong chi bộ cao hoặc chi bộ ít đảng viên. Song song với đó, để phát triển nguồn đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thôn, làng nhằm nâng cao tỷ lệ Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; trưởng thôn và trưởng các đoàn thể thôn, làng là đảng viên.

Các đoàn thể cũng tạo điều kiện để thanh niên lập nghiệp tại địa phương thông qua các chương trình vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội. Huyện đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng.

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đặt mục tiêu kết nạp 600 đảng viên mới, nhất là phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Nhằm tạo điều kiện phát triển đảng viên tại các vùng sâu, vùng xa, huyện đã chỉ Trung tâm chính trị cấp huyện đến các xã mở lớp nâng cao nhận thức theo các cụm, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tham gia các lớp học, nâng cao chất lượng dạy học.

Huyện Đăk Glei còn kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum nghiên cứu các chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho quần chúng ở nông thôn được đi học lớp nhận thức về Đảng; giúp các quần chúng ưu tú sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng bộ, chính quyền huyện Đăk Glei, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân.

Hà Giang: Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên. Nhận thức được vấn đề đó, những năm qua, Đảng bộ huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn coi trọng việc xây dựng đảng và củng cố chi bộ, trong đó tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, xem đây là khâu đột phá trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Sinh hoạt thường kỳ hàng tháng của Chi bộ thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, Hà Giang. 

Ảnh: Đình Anh- Hồng Hải

Bí thư Huyện ủy Quang Bình Triệu Tài Phong cho biết, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như nâng cao chất lượng đảng viên, ngoài các quy định trong Điều lệ Đảng, nhiệm vụ của đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/9/2021 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy Quang Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đến tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra chi bộ. Các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ đảm bảo thường xuyên, kết hợp kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, đảm bảo đúng trọng tâm, trong điểm, có hiệu quả. Các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp dự và chỉ đạo sinh hoạt chi bộ theo kế hoạch được phân công phụ trách; đồng thời phân công lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Huyện ủy dự, theo dõi sinh hoạt tại các chi bộ thường kỳ theo quy định. Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trong hệ thống tổ chức của Đảng.

Huyện ủy tổ chức mở lớp bồi dưỡng kỹ năng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho các đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư các Đảng ủy trực thuộc; Bí thư, Phó Bí thư, chi ủy viên các chi bộ cơ sở bằng hình thức trực tuyến, với tổng số 17 lớp, 731 đồng chí tham gia. Đảng ủy cấp xã hướng dẫn trực tiếp, hướng dẫn các chi bộ, hướng dẫn mang tính chất cầm tay chỉ việc, đây là vấn đề phù hợp với thực tế, vì cấp xã nắm rõ hoạt động của các chi bộ, từ điều kiện địa lý, trình độ, và kể cả vấn đề tập quán dân tộc… từ đó có định hướng cho Bí thư trong khâu chuẩn bị các nội dung sinh hoạt chi bộ. Công tác đánh giá cũng được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các chi bộ sau mỗi lần sinh hoạt đều phải có đánh giá nội dung sinh hoạt, cách thức triển khai thực hiện từ người chủ trì cho tới khi thông qua nghị quyết và phiên họp kết thúc. 

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành rà soát, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Chi ủy nhất là đối với những chi bộ hoạt động khá. Trong đó quan tâm đến việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, bảo đảm mỗi đảng viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh và sức khỏe. Các cấp ủy, tổ chức đảng duy trì tốt sinh hoạt theo định kỳ, trong các cuộc sinh hoạt đã trú trọng nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị cho đảng viên, bằng việc triển khai thực tốt việc học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, tạo bước chuyển biến về nhận thức cho đảng viên. Từ việc có nhận thức tư tưởng chính trị đúng đắn, chất lượng đảng viên đã có bước chuyển biến bước đầu góp phần làm chuyển biến chất lượng sinh hoạt của các chi bộ./.

 
Bùi An (th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực