Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong thực hành dân chủ

Thứ năm, 13/01/2022 17:00
(ĐCSVN) - Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo thành sức mạnh to lớn của Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiều 13/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC cơ sở tổ chức tổng kết việc thực hiện QCDC cơ sở năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Lam, năm 2021, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm; đồng thời tiếp tục thực hiện linh hoạt "mục tiêu kép" trong bối cảnh mới. 

Phát huy dân chủ trực tiếp và gián tiếp của Nhân dân được thực thi có hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; từ việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII thành nhiều chỉ thị, quy định, kết luận trong hoạt động của tổ chức đảng, cấp ủy, quản lý cán bộ, đảng viên; đến đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. 

Quang cảnh Hội nghị 

Chú trọng đổi mới hoạt động, hoàn thiện quy chế làm việc, quy định trong tổ chức, bộ máy, quản lý và phát huy vai trò tiền phong, nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới vì mục đích phục vụ, chăm lo tốt hơn cho Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thực hiện thành nền nếp tốt ở hầu hết các địa phương, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo luật định. 

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được chú trọng và có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy các bên trong quan hệ lao động đối thoại có chất lượng hơn, giải quyết hài hòa lợi ích các bên, xây dựng quan hệ lao động ổn định, tiến bộ, bảo đảm đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. 

Tuy nhiên, năm qua, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn diễn ra tại một số nơi; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Việc thực hiện quyền giám sát của cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách còn hạn chế. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân tại một số đơn vị đối với việc phát huy dân chủ còn hình thức. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn những điểm nóng (trên 60% liên quan đến đất đai); đặc biệt, xảy ra một số vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch và đời sống của Nhân dân.

Việc sửa đổi, bổ sung QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ tại một số doanh nghiệp triển khai thực hiện còn chậm. Tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục hiệu quả.

Ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC cơ sở cho rằng, việc thực hiện QCDC ở cơ sở góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị 

Năm 2022, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nội dung liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân; Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) gắn với các văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hiện dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; xây dựng, ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; trọng tâm là cải cách thể chế nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; 

Nâng cao chất lượng việc quán triệt, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện các văn bản của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát huy dân chủ trong Đảng làm trung tâm, mở rộng dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên trong thực hành dân chủ.

Cùng với đó, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở các cấp

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực