Thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang

Thứ ba, 05/07/2022 09:33
(ĐCSVN) – Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang vừa công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

* Chiều ngày 4/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thanh Thủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy công bố Quyết định số 472-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Theo Quyết định, Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bạc Liêu  gồm 15 thành viên do đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo có 5 Phó trưởng ban, gồm các đồng chí: Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Bình Tân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Hồ Thanh Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Vương Phương Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Lê Việt Thắng, Giám đốc Công an tỉnh.

Thường trực Ban Chỉ đạo gồm Trưởng ban và các Phó trưởng ban; Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, trong đó, đồng chí Nguyễn Bình Tân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Phó trưởng ban Thường trực.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo được thực hiện theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư. Ban chỉ đạo có con dấu riêng và kinh phí hoạt động do văn phòng Tỉnh ủy đảm bảo theo quy định.

Trưởng Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên. Ban chỉ đạo ban hành Quy chế làm việc, Quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác... để tổ chức triển khai đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

* Cũng trong ngày 4/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã triển khai Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tiền Giang có 15 thành viên, gồm 1 Trưởng ban, 4 Phó Trưởng ban và 10 thành viên. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện đồng thời hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Nội chính Tỉnh ủy được giao là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Nguyễn Văn Danh cho biết, Ban Chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trưởng ban Nguyễn Văn Danh đề nghị mỗi thành viên Ban chỉ đạo được phân công chịu trách nhiệm từng lĩnh vực và đơn vị phụ trách cần xây dựng chương trình, kế hoạch cá nhân để phù hợp với công việc, nhiệm vụ của mình. Qua đó, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị; đồng thời, làm tốt nhiệm vụ Ban chỉ đạo đã phân công.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chương trình hàng năm, họp thường kỳ 3 tháng/lần, họp đột xuất khi cần thiết./.

H.Hân (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực