Bài 1: Quyết giảm nhưng lại cứ...tăng
Bài 2: “Giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”...
Bài 3: Đúng là khó thật
Bài 4: Có đi... mới tới!
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân trí)
Cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị
Để hiện thực hóa quyết tâm về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cần có quyết tâm chính trị, có giải pháp đúng, phù hợp điều kiện thực tiễn và kiên trì với giải pháp đó; đồng thời cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, phải có cách nhìn, quan điểm nhất quán, tổng thể. Phải đổi mới cả hệ thống chính trị. Và phải nhận thức đổi mới cả hệ thống chính trị từ quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường và vai trò của xã hội, từ đó mới tiếp tục sắp xếp, kiện toàn được bộ máy hành chính nhà nước. Cùng với đó phải “chặt” đứt được lợi ích từ cơ chế bao cấp, xin - cho thì các bộ, ngành, địa phương mới có thể chuyên tâm vào việc thực hiện đúng chức năng của Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín. Đặc biệt việc tinh giản biên chế phải gắn chặt với việc giảm đầu mối. Thực tiễn và cách làm tại Hà Nội, Quảng Ninh đã chứng minh hiệu quả của biện pháp này. Do đó, phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chứ không đơn thuần là giảm số người làm việc trong các cơ quan. Kết hợp tinh giản biên chế các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng đề án tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và hàng năm phải có kế hoạch cụ thể theo lộ trình để tinh giản.
Trong quá trình thực hiện, phải đồng bộ các giải pháp, kể cả tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Tinh giản biên chế gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, không để tình trạng cào bằng. Có vậy mới thực hiện tốt một trong những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đề ra là “kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”...
Điều quan trọng nữa là cần có bộ tiêu chí đánh giá đúng năng lực cán bộ để đưa vào diện tinh giản biên chế, cùng với đó tất cả các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả việc xác định vị trí việc làm của từng vị trí, chức danh, từ đó xác định những người không phù hợp vị trí công tác để có giải pháp sắp xếp lại phù hợp cũng như đưa vào diện tinh giản biên chế. Có như vậy, việc tinh giản biên chế mới phát huy đúng mục tiêu và hiệu quả, đó là đưa ra khỏi bộ máy biên chế những người không đáp ứng yêu cầu công việc cũng như khuyến khích những người tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, vì vấn đề chỉ tiêu nên có hiện tượng “vơ bèo vạt tép”, ai nghỉ hưu cũng tính là tinh giản biên chế. Vì vậy phải xác định lại nhiệm vụ, hiệu quả công việc, tăng cường khoán công việc thì thu nhập tăng lên, công chức, viên chức sẽ tự cân đối. Đồng thời tinh giản từ trên xuống để làm gương, mạnh dạn triển khai đề án vị trí việc làm.
Điều đặc biệt lưu ý nữa là trong quá trình thực hiện phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Làm việc với Bộ Nội vụ về Đề án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu việc sắp xếp hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập cần tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo nhằm giảm mạnh đầu mối, giảm được biên chế lao động, gắn quyền được tuyển dụng với sử dụng lao động. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quan điểm trong đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công phải theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của nhà nước. Phải khuyến khích xã hội hóa, rành mạch công tư. Đặc biệt là phải tăng cường phân công, phân cấp. Như vậy, tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối. Bởi nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được biên chế.
Cùng quan điểm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần phải phân cấp, phân quyền cho cơ quan, đơn vị địa phương, phân cấp để ai làm sai, người đó chịu trách nhiệm chứ không phải khi làm sai “lôi” hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm. Chính phủ, bộ, ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Chúng ta tính toán lại cơ cấu để thay đổi bộ máy, thay đổi lại đội ngũ công chức, viên chức để nâng chất lượng. Đây là vấn đề quan trọng. Nếu không cơ cấu lại tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thì không thực hiện tinh giản biên chế. Việc mô tả vị trí theo cơ cấu của công chức, viên chức, vấn đề đó là quan trọng nhất” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng hiện nay là đẩy mạnh thực hiện “4 hóa” trong cải cách hành chính: “hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa các văn bản pháp quy; đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tự động hóa về tổ chức thực hiện”. Đây được xem là những nội dung cơ bản để tiến hành tinh giản biên chế, cơ cấu lại hệ thống công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Do đó phải “tiến hành tham mưu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm, một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ, một việc chỉ một người làm, một người làm nhiều việc; bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn… bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính trị” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói.
Đồng tình với việc đẩy mạnh phân cấp, phần quyền, nhiều người cho rằng, nếu không làm tốt công tác này sẽ dẫn đến sự không công bằng bởi hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị vẫn chỉ giảm một cách cơ học là 10% mà chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Trong khi đó, dân gian có câu “đường sữa phát từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên”, e rằng nếu giảm biên chế theo tỉ lệ 10% thì người có chức vụ, có thân thế trụ lại được, còn cán bộ công chức “quèn”, thân cô thế cô sẽ “đội nón” ra đi.
Trách nhiệm người đứng đầu - mấu chốt sự thành công
Tinh giản biên chế là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ công chức. Để quá trình này đạt hiệu quả, ngoài các giải pháp nêu trên thì nhiều người cho rằng, sự công tâm, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu là không thể thiếu. Hay nói cách khác là việc “dùng người” làm sao cho hiệu quả phải được coi là giải pháp "đột phá" đặc biệt quan trọng.
Qua theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 39, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: Trách nhiệm của người đứng đầu chính là điểm mấu chốt đầu tiên và quan trọng nhất nhưng cũng là điểm khó nhất. Dù biện pháp có hay và phù hợp đến đâu, nhưng nếu người đứng đầu không quyết tâm, không có bản lĩnh thì không đạt kết quả. Người đứng đầu được giao thẩm quyền nhưng vẫn e ngại, nể nang, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu khách quan, công tâm khi thực hiện tinh giản biên chế thì sẽ không thực hiện được.
Đồng quan điểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đồng tình: “Cứ bảo xác định vị trí việc làm là khó, nhưng một thủ trưởng không biết cơ quan mình cần bao nhiêu người làm nhiệm vụ gì thì làm thủ trưởng làm gì?”. “Không biết tinh giản ai thì có khi người ta giảm anh trước”, nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói vui.
Do đó, nguyên Bộ trưởng kiến nghị xem lại cách đánh giá cán bộ. “Thủ trưởng phải có quyền đánh giá công chức cấp dưới, chịu trách nhiệm cuối cùng về đánh giá đó, đồng thời cần có cơ chế bảo vệ thủ trưởng bởi nếu không, thủ trưởng chưa kịp đánh giá thì đã có đơn nặc danh tố cáo ông ấy”, nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Cùng với việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế, nhiều người cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế với các chỉ tiêu tinh giản cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không đạt được chỉ tiêu đề ra thì người đứng đầu đơn vị đó sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và có thể phải xem xét kỷ luật, tránh tình trạng thành tích thì nhận, khuyết điểm đẩy cho tập thể.
Muốn thế, thiết nghĩ, người đứng đầu cần được giao quyền nhiều hơn trong việc tuyển dụng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đây là yếu tố quan trọng để nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và bền vững.
Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng để nền
kinh tế đất nước phát triển ổn định và bền vững. (Ảnh minh họa:TH)
Chắc chắn trong quá trình sáp nhập, tinh giản sẽ có nhiều sự xáo trộn và gặp không ít khó khăn. Vì việc tổ chức này sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, và quyền lợi của nhiều người. Nhưng mục tiêu chung là phải đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển đất nước. Việc sáp nhập tổ chức tinh giản biên chế sẽ phải trải qua một thời “quá độ” để ổn định lại cơ cấu. Việc áp dụng được vào thực tiễn hay không, điều này phụ thuộc ý chí của người đứng đầu. Vấn đề đặt ra người đứng đầu có quyết tâm trong việc tinh giản biên chế hay không và việc lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người là việc làm cần thiết nhằm có sự phân tích tìm ra sự hợp lý để cụ thể hóa bằng hành động...
Nói về vai trò quan trọng của người đứng đầu xin được dẫn lời của Chủ tịch UBND quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng Lê Anh trả lời báo chí về việc tinh giản biên chế, chỉ cần cho ông tuyển 5 người cũng làm hết việc của 25 người. “Với điều kiện để tôi chỉ huy công việc. Văn phòng bây giờ có đến 25 người đều của thế hệ trước để lại”, ông Lê Anh nói.
Đặc biệt, phải có chế tài làm thế nào đó khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ khi mà người ta lợi dụng vị trí để trục lợi. Theo đó trong công tác cán bộ, người đứng đầu phải thực hiện rõ từng khâu một, từ giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm. Trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, phải khách quan, dân chủ công khai, minh bạch về thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ. Trên cơ sở đó, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ để xác định chính xác các đối tượng và định mức cần tinh giản. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã đưa ra gợi ý về việc đánh giá cán bộ theo phương pháp “360 độ”, tức là: “phải đồng thời đánh giá từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra và từ ngoài vào”.
Nếu làm được công tác đánh giá như lời Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì không những chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết 39 và chắc chắn còn thu hút được đội ngũ người thực tài vào công tác trong bộ máy công quyền. Bởi một số người tài đã nêu lên suy nghĩ của mình là người thực tài không cần đến "thảm đỏ" hay những ưu đãi như lâu nay nhiều nơi đã làm và nhiều người vẫn nghĩ. Điều mà họ cần là được làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mà sự đánh giá, sử dụng con người đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch. Nơi mà cơ hội thăng tiến của mỗi người đều dựa trên năng lực, trình độ, đạo đức công vụ và khả năng cống hiến chứ không phải dựa trên mấy yếu tố "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ". Chỉ khi nào tạo ra được một môi trường làm việc như thế thì người tài mới có cơ hội và điều kiện để yên tâm làm việc, cống hiến cho đất nước.
Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Đã đến lúc cần có đột phá một “khoán 10” trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước. Vấn đề này sẽ được Hội nghị Trung ương 6, khóa XII diễn ra vào đầu tháng 10/2017 thảo luận và dự kiến ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Và chúng ta tin chắc rằng, Trung ương lần này sẽ có những quyết sách “đột phá” nhằm thực hiện có hiệu quả tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy./.