Theo Sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, 200 điểm bán hàng của các doanh nghiệp đã đăng ký mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân từ ngày 05 đến 07/02 (tức mùng 1 đến mùng 3 Tết). Trong đó có 125 điểm đăng ký mở cửa bán hàng từ ngay mùng 1 Tết, hai ngày tiếp theo có thêm 75 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng trở lại để phục vụ nhân dân.
Nông sản vùng miền được bày bán trên địa bàn Thủ đô (Ảnh: Minh Châu)
Từ ngày 08/02 (tức mùng 4 Tết), phần lớn các siêu thị kinh doanh thực phẩm thiết yếu, các chợ và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố đồng loạt mở cửa phục vụ nhân dân bình thường.
Dịp này, trên địa bàn thành phố, 64 điểm chợ hoa Xuân phục vụ Tết cũng bắt đầu đi vào hoạt động đến 20h00, ngày 04/02 tức ngày 30 Tết với các sản phẩm chủ yếu là các loại cây cảnh, hoa, quả; một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống và sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa đưa ra thị trường trong dịp này vào khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2018); trong đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, nông sản chế biến… là khoảng 2.200 tỷ đồng, được bán ở 454 chợ, 22 trung tâm thương mại và 124 siêu thị. Dựa trên khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân trong dịp Tết, thành phố cơ bản đáp ứng đủ sản lượng thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, rau, củ, quả...
Cũng theo Sở Công thương Hà Nội, từ ngày 24 đến 30/01/2019, Hội chợ về hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sẽ diễn ra tại Công viên Thống Nhất với quy mô dự kiến từ 130 đến 150 gian hàng.
Hội chợ gồm các mặt hàng nông sản thực phẩm (trái cây các loại, rau củ quả, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gia cầm, giò, chả, bánh chưng...); các loại hàng hóa phục vụ Tết (bánh, mứt, kẹo, đồ uống các loại, đồ thời trang, may mặc...); hoa và cây cảnh các loại… phục vụ nhân dân trong dịp Tết./.